Bangladesh nỗ lực dẫn độ nhà lãnh đạo bị lật đổ từ Ấn Độ

Đàm Linh (Theo AFP)-Thứ ba, ngày 10/09/2024 12:13 GMT+7

Cựu Thủ tướng Sheikh Hasina khóc khi bà đến thăm một ga tàu điện ngầm ở Mirpur bị sinh viên phá hoại trong cuộc biểu tình chống hạn ngạch, ngày 25/7 (Ảnh: AFP)

VTV.vn - Tòa án xét xử tội ác chiến tranh của Bangladesh đang tìm cách dẫn độ nhà lãnh đạo bị lật đổ Sheikh Hasina từ nước láng giềng Ấn Độ.

Công tố viên trưởng Mohammad Tajul Islam của Tòa án xét xử tội phạm quốc tế Bangladesh (ICT) đã chia sẻ thông tin trên với các phóng viên hôm 8/9, cáo buộc cựu Thủ tướng Sheikh Hasina đã thực hiện "các vụ thảm sát".

Sau nhiều tuần xảy ra biểu tình bạo loạn do các sinh viên đứng đầu, bà Hasina đã buộc phải từ chức Thủ tướng và chạy trốn bằng trực thăng quân sự đến quốc gia đồng minh láng giềng Ấn Độ vào ngày 5/8, chấm dứt 15 năm cai trị tàn bạo của bà.

"Vì thủ phạm chính đã trốn khỏi đất nước nên chúng tôi sẽ bắt đầu thủ tục pháp lý để đưa bà ta trở về", ông Mohammad Tajul Islam tuyên bố.

ICT được chính bà Hasina thành lập vào năm 2010 để điều tra các hành động tàn bạo trong cuộc chiến giành độc lập năm 1971 từ Pakistan. Chính phủ của cưu Thủ tướng Hasina bị cáo buộc vi phạm nhân quyền trên diện rộng, bao gồm giam giữ hàng loạt và giết người ngoài vòng pháp luật đối với các đối thủ chính trị của bà.

"Bangladesh có hiệp ước dẫn độ tội phạm với Ấn Độ được ký kết vào năm 2013, khi chính phủ của bà Sheikh Hasina còn nắm quyền" - Islam nói thêm - "Vì bà ấy đã trở thành bị cáo chính trong vụ thảm sát ở Bangladesh, chúng tôi sẽ cố gắng đưa bà ấy trở lại Dhaka để xét xử hợp pháp".

Bà Sheikh Hasina, 76 tuổi, đã không xuất hiện trước công chúng kể từ khi chạy trốn khỏi Bangladesh, nơi ở chính thức cuối cùng của bà được cho là tại một căn cứ không quân gần thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Sự hiện diện của bà ở Ấn Độ đã khiến Bangladesh vô cùng tức giận.

Bangladesh nỗ lực dẫn độ nhà lãnh đạo bị lật đổ từ Ấn Độ - Ảnh 1.

Các cuộc bạo loạn chính trị hồi tháng 7 tại Bangladesh đã khiến khoảng 600 người thiệt mạng (Ảnh: AFP)

Dhaka đã thu hồi hộ chiếu ngoại giao của bà Hasina và hai nước có hiệp ước dẫn độ song phương có thể buộc cựu Thủ tướng phải trở về quê hương để chịu xét xử hình sự. Tuy nhiên, một điều khoản trong hiệp ước nêu rõ việc dẫn độ có thể bị từ chối nếu hành vi phạm tội có "tính chất chính trị".

Lãnh đạo chính phủ lâm thời Muhammad Yunus - người đoạt giải Nobel Hòa bình, hiện đã lên nắm quyền sau cuộc nổi dậy - nói rằng bà Hasina nên "giữ im lặng" khi đang tị nạn ở Ấn Độ cho đến khi bà được đưa về nước để xét xử. Chính phủ của ông Yunus đang chịu áp lực từ công chúng đối với yêu cầu dẫn độ và xét xử bà Hasina về việc hàng trăm người biểu tình bị giết trong những tuần bất ổn chính trị cuối cùng dẫn đến việc lật đổ bà.

Theo một báo cáo sơ bộ của Liên hợp quốc, hơn 600 người đã thiệt mạng trong các cuộc bạo loạn chính trị trong 2 tháng qua.

Tháng 8/2024, Bangladesh cũng mở một cuộc điều tra do một thẩm phán tòa án tối cao nghỉ hưu dẫn đầu về hàng trăm vụ mất tích cưỡng bức của lực lượng an ninh trong thời gian bà Hasina nắm quyền.

Các cuộc biểu tình đã bùng phát hồi tháng 7 tại Bangladesh nổ ra khi tòa án quyết định phân bổ 30% chỉ tiêu tuyển viên chức mỗi năm cho con em của quân nhân đã tham gia đấu tranh giúp Bangladesh độc lập năm 1971. Tình trạng biểu tình dẫn tới bạo lực đã buộc bà Sheikh Hasina phải từ bỏ quyền lực, rời đất nước sau hơn 15 năm trên cương vị Thủ tướng.

Chính phủ Thủ tướng lâm thời Bangladesh Muhammad Yunus hiện đang nỗ lực giải quyết những bất ổn chính trị, cố gắng đưa đất nước trở về trạng thái bình thường. Tuy nhiên, thách thức đối với ông Yunus càng gia tăng khi hơn 18 triệu người ở Bangladesh đã bị ảnh hưởng bởi thiên tai, với hơn 1,2 triệu gia đình bị mắc kẹt khi lũ quét nhấn chìm các khu vực rộng lớn ở phía Đông và Đông Nam của đất nước vào tháng trước. Thiệt hại lớn cũng được ghi nhận đối với đường sá, đất trồng trọt và nghề cá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của người dân.

Rời khỏi đất nước, cựu Thủ tướng Bangladesh xin tị nạn tại Anh Rời khỏi đất nước, cựu Thủ tướng Bangladesh xin tị nạn tại Anh

VTV.vn- Bất chấp Ngoại trưởng Anh kêu gọi Liên hợp quốc điều tra các cuộc bạo loạn gây thương vong ở Dhaka, cựu Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina vẫn quyết tâm xin tị nạn tại Anh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước