Báo động về nồng độ hóa chất vĩnh cửu cực cao trong nước gần các nhà máy may mặc ở Bangladesh

Quỳnh Chi (Theo The Guardian)-Thứ hai, ngày 03/06/2024 06:09 GMT+7

Cậu bé vớt những mảnh vải vụn từ chất thải lỏng của ngành công nghiệp nhuộm gần sông Turag ở Dhaka. (Ảnh: Getty)

VTV.vn - Theo nghiên cứu mới, nước sông, hồ và nước máy tại các khu vực có nhà máy may mặc ở Bangladesh đang tràn ngập hóa chất vĩnh cửu độc hại ở mức độ nguy hiểm.

Thậm chí, một số hóa chất có liên quan đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Trong nghiên cứu đầu tiên dạng này được thực hiện ở Bangladesh - trung tâm thời trang toàn cầu cung cấp cho nhiều thương hiệu quốc tế - các chất per- và polyfluoroalkyl (PFAS - thường được gọi là hóa chất vĩnh cửu) đã được tìm thấy trong 27 mẫu nước được thu thập xung quanh các nhà máy dệt may ở thủ đô Dhaka.

Theo báo cáo của Tổ chức Phát triển Môi trường và Xã hội (ESDO) và Ipen - một mạng lưới các tổ chức phi chính phủ, trong nhiều mẫu nước được lấy vào năm 2019 và 2022, nồng độ PFAS cao hơn nhiều so với giới hạn quy định do EU và Mỹ đặt ra, trong khi một số mẫu có chứa một hoặc nhiều hóa chất bị cấm trên toàn cầu.

PFAS là một nhóm gồm khoảng 10.000 hóa chất có liên quan đến nhiều loại bệnh nghiêm trọng, bao gồm cả một số bệnh ung thư. Chúng đã được sử dụng trong sản xuất và bổ sung vào các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày từ những năm 1950.

PFAS được gọi là hóa chất vĩnh cửu vì các nhà khoa học cho biết chúng có thể mất hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm để phân hủy sau khi các sản phẩm sử dụng chúng bị vứt bỏ. Nếu PFAS rò rỉ vào nước, chúng có thể tồn tại trong nước trong nhiều thế kỷ. Ngành dệt may chiếm tới 50% tổng lượng PFAS sử dụng trên toàn cầu.

Báo động về nồng độ hóa chất vĩnh cửu cực cao trong nước gần các nhà máy may mặc ở Bangladesh - Ảnh 1.

Nước thải chứa đầy thuốc nhuộm vải chảy từ các nhà máy dệt may vào sông Buriganga ở Dhaka. (Ảnh: Getty)

Một số PFAS đã bị cấm trên toàn cầu theo Công ước Stockholm - trong đó Bangladesh là một trong những quốc gia ký kết tham gia công ước và các nước khác đang được xem xét. Hiệp ước toàn cầu này nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe con người và môi trường khỏi tác động của các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy.

Trong số 27 mẫu được tìm thấy có PFAS, 67% chứa một hoặc nhiều hóa chất PFAS bị cấm trên toàn cầu. Những mẫu có hàm lượng cao thường được tìm thấy ở khu vực gần các nhà máy dệt may, cho thấy ngành công nghiệp thời trang có thể là nguồn gây ô nhiễm nước đáng kể. Các mẫu lấy ở hai tuyến đường thủy ở vùng hạ lưu từ các nhà máy dệt may lớn vào năm 2022 cho thấy hàm lượng PFAS cao hơn so với các mẫu lấy ở thượng nguồn.

Mức PFAS cao nhất được phát hiện trong nước lấy từ sông Karnatali - cao hơn 300 lần giới hạn đề xuất của EU. Mẫu nước này ghi nhận nồng độ cao nhất của hai loại PFAS bị cấm: cao hơn 1.700 lần so với giới hạn khuyến cáo của Hà Lan đối với axit perfluorooctanoic và cao hơn 54.000 lần so với giới hạn đối với perfluorooctane sulfonate.

Bangladesh không có quy định cụ thể nào về PFAS nên nghiên cứu đã so sánh kết quả kiểm tra với các tiêu chuẩn ở EU, Hà Lan và Mỹ.

Shahriar Hossain, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Bangladesh là một quốc gia nhỏ với dân số đông. Nước từ các sông, hồ là nguồn cung cấp nước chính cho tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghiệp và nước uống. Chúng tôi nhận thấy nhiều nguồn nước ở Bangladesh bị ô nhiễm hóa chất có độc tính cao và cho rằng đây là một vấn đề lớn cần được giải quyết. Nếu Bangladesh là một bên ký kết Công ước Stockholm, nước này có nghĩa vụ quản lý PFAS".

Hóa chất vĩnh cửu được tìm thấy trong hơn một nửa mẫu thực phẩm và đồ uống tại Anh Hóa chất vĩnh cửu được tìm thấy trong hơn một nửa mẫu thực phẩm và đồ uống tại Anh

VTV.vn - Các nhà vận động khuyến cáo Chính phủ Anh nên cấm 25 loại thuốc trừ sâu có chứa hóa chất vĩnh cửu ở nước này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước