Cảnh sát Anh đã bắt giữ hàng nghìn người gây rối trong các cuộc biểu tình bạo loạn (Ảnh: AP)
Căn nguyên của những cuộc bạo loạn
Những chiếc xe bị thiêu rụi, các nhà thờ Hồi giáo cùng khách sạn - nơi trú ngụ của người xin tị nạn bị tấn công, hàng nghìn người bị cảnh sát bắt giữ..., các cuộc bạo loạn diễn ra ở Anh trong 2 tuần qua đã đặt ra thách thức trực tiếp đầu tiên đối với tân Thủ tướng Keir Starmer. Ngay cả sau khi khôi phục trật tự, ông Starmer vẫn phải đối mặt với một cuộc chiến khác: giải quyết các vấn đề về dịch vụ công đang suy yếu và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt vốn được xem là nguyên nhân gây ra tình trạng bất ổn.
Trong khi các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy công chúng rõ ràng ủng hộ việc đàn áp những người biểu tình bạo lực của ông Starmer, nhiều người lại coi những kẻ bạo loạn đã cất lên tiếng nói kêu gọi ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp đang gia tăng tại Anh.
Nhiều thách thức đang chờ đợi Thủ tướng Keir Starmer ở phía trước (Ảnh: NY Times)
Ông Steven Fielding - Giáo sư lịch sử chính trị tại Đại học Nottingham - nhận định: "Không phải ngẫu nhiên mà bạo lực bùng phát ở một số khu vực kinh tế khó khăn. Mối lo ngại về vấn đề nhập cư, vốn đã suy giảm ở Anh sau Brexit, đang căng thẳng trở lại trong bối cảnh việc làm khan hiếm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ khác quá tải, dẫn đến việc những người xin tị nạn trở thành mục tiêu 'đổ lỗi' của phe cực hữu".
Chiến dịch tranh cử của các chính trị gia vào tháng trước đã gây ra một cuộc tranh chấp chính trị gay gắt về kế hoạch của chính phủ nhằm cưỡng bức người di cư trái phép sang Rwanda. Con số 30.000 người vượt biên vào Anh trên những chiếc thuyền tạm bợ chỉ là một phần rất nhỏ trong số những người đang nộp đơn xin tị nạn tại Anh - vốn đã lên tới gần 750.000 người vào năm 2022.
Ông Sunder Katwala - Giám đốc Viện nghiên cứu British Future - cho rằng, Thủ tướng Starmer sẽ phải căng mình chứng minh rằng ông có thể khôi phục lại những khu vực bị bỏ quên mà những người theo chủ nghĩa cánh hữu đã tìm thấy sự ủng hộ bằng cách củng cố việc làm và các dịch vụ công.
Hiểm họa của tin giả trên mạng xã hội
Biểu tình bạo lực xảy ra trên khắp các thành phố ở Anh sau khi thông tin sai lệch xuất hiện trên mạng xã hội rằng vụ giết hại 3 bé gái ở thị trấn Southport ngày 29/7 có liên quan một người Hồi giáo. Những thông tin sai sự thật được lan truyền nhanh chóng khi gắn các từ khóa nhạy cảm với xã hội Anh: "nhập cư", "Hồi giáo" và "Rwanda".
Bà Claire Ainsley, cựu Giám đốc chính sách của ông Starmer, đã chỉ ra vai trò của phương tiện truyền thông xã hội trong việc phát tán thông tin sai lệch và gây căng thẳng trong dư luận. Bà lưu ý rằng bên cạnh những kẻ cực đoan, một số kẻ bạo loạn có thể là những kẻ cướp bóc và những kẻ cơ hội khác.
Dich vụ công xuống cấp và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt vốn được xem là nguyên nhân gây ra tình trạng bất ổn tại Anh (Ảnh: NY Times)
Bạo lực châm ngòi từ những thông tin sai lệch trên mạng xã hội về nhân thân và tôn giáo của nghi phạm đã kích động mạnh mẽ làn sóng kỳ thị chủng tộc và tôn giáo trên cả nước.
Thông tin giả này lan truyền nhanh đến mức cảnh sát Anh buộc phải phá lệ, công bố danh tính nghi phạm. Đó là Axel Rudakubana, 17 tuổi, sinh ra tại Cardiff, Anh và sống gần thành phố Southport, đổng thời nhấn mạnh rằng đây không phải vụ tấn công khủng bố.
Năm 2023, Anh đã thông qua Đạo luật an toàn trực tuyến, trao cho Cơ quan quản lý truyền thông Ofcom quyền phạt các công ty truyền thông xã hội lên tới 10% doanh thu toàn cầu hàng năm, nếu không kiểm soát việc phát tán tin giả, tài liệu bất hợp pháp như tuyên truyền khủng bố, lừa đảo trực tuyến và kích động bạo lực…
Tuy nhiên, vụ việc lần này đã đặt ra thêm thách thức cho chính phủ Anh trong việc quản lý các nền tảng kỹ thuật số cũng như khả năng tự kiểm duyệt của các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!