Chuyên gia khí hậu người Bangladesh Liakath Ali cho biết gió lớn vẫn chưa ngừng thổi khi màn đêm buông xuống, nước dâng cao gây ngập lụt ở nhiều nơi và làm quá tải hệ thống thoát nước.
Ông nói trong một tuyên bố: "Nhiều người bị mắc kẹt, sẽ còn một đêm dài phía trước với hàng triệu người không có điện hoặc nơi trú ẩn. Mọi người không biết nhà cửa, đất đai và vật nuôi của họ bị thiệt hại như thế nào".
Bão Remal là cơn bão đầu tiên trong năm 2024, được dự đoán sẽ tấn công các bờ biển thấp của các nước láng giềng Nam Á trong năm nay khi biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ bề mặt nước biển.
Cơ quan thời tiết cho biết tốc độ gió lên tới 135 km/h, hoành hành ở các khu vực xung quanh cảng Mongla phía Nam Bangladesh và quần đảo Sagar liền kề ở bang Tây Bengal của Ấn Độ vào tối 26/5. Bão Remal đổ bộ vào khoảng 21h.
Gió mạnh làm lật ô của một du khách ở Maidan, Kolkata vào ngày 27/5, sau khi bão Remal đổ bộ vào bang Tây Bengal của Ấn Độ. (Ảnh: AFP)
Sheldon Yett - đại diện UNICEF tại Bangladesh - cho biết hơn 8,4 triệu người, trong đó có 3,2 triệu trẻ em, đang phải đối mặt với nguy cơ cao về sức khỏe, dinh dưỡng, vệ sinh và an toàn.
Ít nhất 10 người đã thiệt mạng ở Bangladesh - Giám đốc quản lý thảm họa Mijanur Rahman nói với Reuters, đồng thời cho biết thêm một số nạn nhân chết trên đường đến nơi trú ẩn, khi nhà hoặc tường của họ bị sập hoặc bị chết đuối trong cơn bão gây ngập lụt.
Ông nói: "Mọi người thường rất miễn cưỡng khi phải bỏ lại gia súc và nhà cửa của mình để đến nơi trú ẩn tránh bão. Họ chờ đợi đến phút cuối cùng khi thường đã là quá muộn".
Bộ trưởng Bộ Quản lý và Cứu trợ Thiên tai Mohibbur Rahman xác nhận cơn bão đã phá hủy gần 35.000 ngôi nhà ở 19 huyện, 115.000 ngôi nhà khác bị hư hại một phần.
"Nhiều khu vực vẫn bị ngập nước, các khu nuôi cá và cây cối đã bị tàn phá. Khi có thêm thông tin, toàn bộ phạm vi tác động của bão sẽ rõ ràng hơn".
Tại bang Tây Bengal của Ấn Độ, 4 người đã bị điện giật, nâng số người tử vong do bão ở bang này lên 6 người.
Các quan chức Bộ Điện lực cho biết, Bangladesh đã ngừng cung cấp điện trước bão đối với một số khu vực để tránh thiệt hại, trong khi ở nhiều thị trấn ven biển cây đổ và dây điện bị đứt càng khiến nguồn cung điện bị gián đoạn.
Gần 3 triệu người ở Bangladesh không có điện. Trong khi đó, chính quyền bang Tây Bengal của Ấn Độ thông tin ít nhất 1.200 cột điện đã bị gãy đổ, trong khi 300 lều bằng bùn đã bị san bằng.
Người đàn ông lội qua con đường ngập nước trong cơn mưa ở Patuakhali vào ngày 27/5, sau khi bão Remal đổ bộ vào Bangladesh. (Ảnh: AFP)
Bộ trưởng Bộ Điện và Năng lượng Bangladesh Nasrul Hamid cho biết trong một bài đăng trên Facebook rằng bão Remal đã gây ra thiệt hại lớn trên toàn quốc, kêu gọi người dân kiên nhẫn khi việc khắc phục, sửa chữa đang được tiến hành.
Ông nói: "Các đội của chúng tôi bắt đầu sửa chữa đường dây điện ngay khi gió giảm bớt".
Lốc xoáy cũng làm gián đoạn khoảng 10.000 tháp viễn thông, khiến hàng triệu người không có dịch vụ di động.
Mưa lớn và thủy triều dâng cao đã làm hư hỏng một số bờ kè và gây ngập lụt các khu vực ven biển ở Sundarbans - nơi có một số khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới thuộc sở hữu của Ấn Độ và Bangladesh.
Đường bị ngập lụt làm gián đoạn việc đi lại ở thủ đô Dhaka của Bangladesh. Mưa cũng làm ngập nhiều đường phố ở thành phố Kolkata của Ấn Độ, với nhiều báo cáo về tường bị sập và ít nhất 52 cây đổ.
Thành phố Kolkata - thủ phủ của bang Tây Bengal của Ấn Độ - đã nối lại các chuyến bay sau khi hơn 50 chuyến bị hủy từ ngày 26/5. Dịch vụ xe lửa cũng được khôi phục.
Nhà chức trách cho biết cả hai quốc gia đã sơ tán gần 1 triệu người đến địa điểm tránh trú bão, bao gồm khoảng 800.000 người ở Bangladesh và khoảng 110.000 người ở Ấn Độ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!