Ấn Độ hiện là ổ dịch COVID-19 lớn nhất tại châu Á với hơn 8 triệu ca mắc, trong đó khoảng 124.000 người đã không qua khỏi. Tỉ lệ tử vong do COVID-19 của Ấn Độ hiện ở mức 1,48% - thuộc loại thấp nhất thế giới, cụ thể là thấp hơn mức 2,9% của Brazil và 4,4% của Anh.
Nước sạch và các điều kiện vệ sinh vốn là yếu tố cần thiết để bảo vệ sức khỏe chống lại COVID-19. Nghe có vẻ là một nghịch lý, nhưng theo một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Ấn Độ lại cho thấy, chính điều kiện vệ sinh thấp, thiếu nước sạch có thể đã cứu sống nhiều bệnh nhân COVID-19 tại nước này.
Người dân ở các nước nghèo hơn dường như có phản ứng miễn dịch cao hơn
Theo góc nhìn của giới nghiên cứu, việc người dân tiếp xúc với các mầm bệnh khác nhau từ nhỏ đã giúp họ có khả năng miễn dịch tốt hơn với COVID-19. Một nghiên cứu khác đã so sánh dữ liệu công khai của 106 quốc gia về các thông số như mật độ dân số, nhân khẩu học, tỷ lệ mắc bệnh và chất lượng vệ sinh…
Các nhà khoa học Ấn Độ cho rằng, tỷ lệ tử vong do COVID-19 thấp hơn ở các quốc gia đông dân thu nhập thấp là do họ tiếp xúc với nhiều loại vi khuẩn, đặc biệt là loại được gọi là "vi khuẩn gram âm". Những vi khuẩn này thường gây ra bệnh viêm phổi nặng, nhiễm trùng máu, đường tiết niệu và da. Nhưng chúng cũng được cho là tạo ra một loại phân tử kháng virus, giúp bảo vệ tế bào chống lại COVID-19.
Trong khi đó, tỉ lệ tử vong do COVID-19 tại Nam Phi là 2,6%. Tỉ lệ này thấp hơn nhiều so với nỗi lo ngại ban đầu của giới chức y tế. Các chuyên gia đã đưa ra một số giả thuyết, cho rằng lời giải thích có thể nằm trong 1 chiếc tủ đông lạnh đặc biệt ở ngoại ô Johannesburg.
Chiếc tủ đông được giữ ở nhiệt độ âm 180 độ C, chứa các hộp kim loại lưu trữ các mẫu máu người 5 năm tuổi. Hay cụ thể hơn là chiết xuất từ các tế bào máu (PBMC) - thu được trong một cuộc thử nghiệm vaccine cúm trước đó ở Soweto.
Bằng cách nghiên cứu PBMC, các nhà khoa học có thể tìm thấy bằng chứng cho thấy người dân đã bị lây nhiễm rộng rãi bởi các chủng virus corona khác - ví dụ, chủng gây ra nhiều bệnh cảm cúm thông thường và kết quả là họ có thể có được mức độ miễn dịch nhất định với COVID-19.
Ngoài ra, yếu tố di truyền có thể đóng vai trò quan trọng. Một nhóm gene "đơn bội" được cho là có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh trầm trọng. Gene này hiện diện trong 30% bộ gene Nam Á, 8% ở người châu Âu, nhưng hầu như không có ở châu Phi.
Đó là những nghiên cứu và giả thuyết về tỷ lệ tử vong do COVID-19 thấp tại Ấn Độ và Nam Phi. Dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia y tế, dẫu cho tỉ lệ này có thấp thì cũng không thể phủ nhận một thực tế là dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới. Và chừng nào chưa có 1 loại vaccine hiệu quả thì COVID-19 vẫn là mối đe dọa với sinh mạng của người dân toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!