Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Pháp phải vật lộn với đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt vào cuối tuần qua, với nhiệt độ lên tới 40°C ở nhiều khu vực của nước này.
Mặc dù các đợt nắng nóng hiện nay thường xuyên xảy ra, nhưng điều này là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy, hậu quả của tình trạng nóng lên toàn cầu đang ngày càng được cảm nhận sớm hơn.
Các nhà dự báo và khí tượng học mô tả đợt nắng nóng hiện tại của Pháp là "sớm đáng kể". Thông thường các đợt nắng nóng ở Pháp diễn ra vào tháng 7 hoặc tháng 8 hàng năm. Một đợt nắng nóng vào tháng 6 là điều chưa từng có và đáng lo ngại, trong đó các nhà khí tượng học chỉ ra rằng đây là hậu quả của tình trạng nóng lên toàn cầu do con người gây ra.
Các nhà khoa học cho biết, thời tiết cực đoan sẽ dần trở thành "điều bình thường" nếu chúng ta vẫn bị động trước biến đổi khí hậu.
Nhà khí hậu học Aglaé Jezequel nói: "Chúng ta đang phải hứng chịu những tác động và sự gia tăng sóng nhiệt hiện nay, nhưng điều này có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều trong tương lai nếu chúng ta tiếp tục phát thải khí nhà kính (GHG)".
Dầu mỏ, khí đốt và than đá là thủ phạm chính của sự nóng lên toàn cầu. Các nhà lãnh đạo thế giới đã thông qua Thỏa thuận chung Paris lịch sử vào ngày 21/12/2015 tại Hội nghị thượng đỉnh COP21, đề ra những chiến lược dài hạn để các quốc gia đáp ứng cam kết cắt bỏ sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Thỏa thuận mang tính bước ngoặt này nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 2°C trong thế kỷ này và tiếp tục nỗ lực để giới hạn nó ở mức 1,5°C nữa.
Tuy nhiên, vào tháng 9/2021, hai tháng trước Hội nghị thượng đỉnh COP 26 ở Glasgow, với mục tiêu dường như đã nằm ngoài tầm với, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo rằng thế giới đang trên đà thảm họa hướng tới nóng thêm 2,7°C.
Dấu hiệu rõ ràng nhất của tình trạng Trái đất nóng lên do phát thải khí nhà kính là sự gia tăng số lượng và cường độ của các đợt nắng nóng trên khắp thế giới. Sóng nhiệt kéo dài hơn, trở nên thường xuyên hơn
Cơ quan Khí tượng quốc gia Pháp (Météo-France) định nghĩa, đợt nắng nóng là sự gia tăng nhiệt độ liên tục trong ít nhất ba ngày.
Ở Pháp, dữ liệu cho thấy số lượng sóng nhiệt tăng lên trông thấy. Trong số 43 hiện tượng được ghi nhận kể từ năm 1947, 9 đợt sóng nhiệt diễn ra trước năm 1989, số còn lại từ năm 1989 đến năm 2020. Theo Météo-France, số lượng "các đợt nắng nóng trong 30 năm qua đã tăng gấp 3 lần so với 42 năm trước đó".
"Nền nhiệt tại Pháp đã tăng lên 2°C kể từ đầu thế kỷ 20, do đó cao hơn mức trung bình toàn cầu là 1,1 C", nhà khí hậu học Françoise Vimeux cho biết.
Các đợt nắng nóng vào tháng 6 diễn ra sau một mùa xuân đặc biệt nóng và khô, vốn đã gây ra hạn hán đất ở phần lớn nước Pháp, dẫn đến lo ngại cho vụ thu hoạch và tạo điều kiện thuận lợi cho cháy rừng.
Các nhà khí hậu học cho biết, đây mới chỉ là sự khởi đầu của các hiện tượng thời tiết cực nóng. Theo nhà khí hậu học Christophe Cassou, xác suất xảy ra đợt nắng nóng hiện nay là 1/10. Ông nói: "Vào năm 2030, tỷ lệ này sẽ là 1/5 và khoảng từ năm 2050 - 2060 sẽ là 1/2".
Với tốc độ hiện tại, Météo-France dự đoán sẽ có trung bình từ 20 - 35 ngày nắng nóng mỗi năm vào cuối thế kỷ 21 (so với 3 - 4 ngày vào cuối thế kỷ 20).
Những đợt nắng nóng này diễn ra trong thời gian dài hơn, mùa hè kéo dài hơn và sẽ có những tác động lớn hơn, bao gồm cả những đợt nắng nóng bắt đầu sớm, gây ảnh hưởng tới sản lượng nông sản".
Theo Cơ quan y tế cộng đồng Pháp Santé Publique France, thiệt hại về sức khỏe từ các đợt nắng nóng ở Pháp từ năm 2015 đến năm 2020 lên tới từ 24 đến 37 tỷ Euro.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!