Ngày 9/8, IPCC - Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc công bố bản báo cáo quan trọng được xem là toàn diện nhất và cập nhật nhất về biến đổi khí hậu. Từng dòng khuyến nghị được đại diện các chính phủ xem xét, sửa đổi và cuối cùng được 195 chính phủ chấp thuận trong phiên họp thứ 54 của IPCC. Báo cáo khẳng định, phát thải do con người gây ra đã làm thay đổi hành tinh một cách nguy hiểm và vĩnh viễn.
Bản báo cáo có nhiều nội dung, sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ nhất, khác biệt với từ ngữ dùng trong các báo cáo trước, để nhấn mạnh tính cấp thiết của vấn đề. Báo cáo IPCC cho rằng, Trái Đất sẽ nóng lên nhanh hơn so với các đánh giá trước đó. Thập kỷ tới nhiệt độ sẽ tăng thêm 1,5 độ C. Các hiện tượng thời tiết từng được cho là hiếm gặp hay chưa từng xảy ra sẽ trở nên thông thường hơn. Sóng nhiệt nghiêm trọng từng chỉ xảy ra một lần trong 50 năm, hiện đang trở lại trong mỗi thập kỷ. Hạn hán nghiêm trọng đang xảy ra thường xuyên gấp 1,7 lần. Lốc xoáy mạnh hơn, mưa và tuyết bất thường hơn, nước biển sẽ tiếp tục dâng.
Thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu đã tàn phá nhiều khu vực trên thế giới trong những tuần gần đây. Không cần đến báo cáo của IPCC thì cũng có thể thấy điều này.
Bản báo cáo của Liên Hợp Quốc tổng hợp dựa trên 14 nghìn nghiên cứu khoa học, được công bố chỉ 3 tháng trước Hội nghị Liên Hợp Quốc về khí hậu (COP 26), diễn ra ở Scotland. Các quốc gia sẽ chịu nhiều áp lực phải đưa ra những cam kết hành động mạnh mẽ hơn về khí hậu và huy động nguồn tài chính đáng kể để đảm bảo thực hiện các cam kết này.
Tiến sĩ Friederike Otto - Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc cho rằng: "Phải nhìn nhận thực tế, có những tác động của con người tới môi trường sẽ không thể đảo ngược được trong nhiều thế kỷ tới. Biến đổi khí hậu là một thực tế, nó đã xảy ra rồi và sẽ còn tiếp diễn, nó đã biểu hiện cụ thể qua các hình thái thời tiết cực đoan. Chấp nhận thực tế biến đổi khí hậu đang xảy ra và lưu ý đến diễn biến này trong các chính sách điều hành là cần thiết".
Theo các nhà khoa học, môi trường không nên chỉ là một vấn đề được khuyến nghị kèm theo trong các hoạt động hoạch định chính sách, hoạt động kinh tế, sản xuất nữa. Đã đến lúc cần một sự tiếp cận nghiêm túc với vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu, và trong bất cứ cân nhắc hoạch định nào, môi trường là một yếu tố xứng đáng được quan tâm và có vai trò ngang bằng với các vấn đề khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!