Biến thể COVID-19 KP.2 mới khó có thể gây ra làn sóng lây nhiễm ở Trung Quốc

Quỳnh Chi (Theo Channel News Asia)-Thứ bảy, ngày 18/05/2024 06:08 GMT+7

(Ảnh: USA Today)

VTV.vn - Cơ quan y tế Trung Quốc nhận định biến thể COVID-19 mới KP.2 đang lan rộng trên toàn cầu khó có thể gây ra làn sóng lây nhiễm mới ở nước này.

KP.2 - một chủng phụ của biến thể Omicron - lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ vào đầu tháng 1. Kể từ đó, KP.2 đã lan rộng ra nhiều nước và trở thành chủng virus thống trị ở Mỹ. Thực tế này như một lời nhắc nhở rằng đại dịch COVID-19 vẫn còn tồn tại sau 4 năm kể từ khi nó được công bố lần đầu tiên.

Trung Quốc đã phát hiện trường hợp nhiễm KP.2 trong nước đầu tiên vào tháng 3 tại tỉnh Quảng Đông. Tính đến ngày 12/5, cả nước ghi nhận 25 trường hợp nhiễm KP.2.

"Tỷ lệ các trường hợp mắc KP.2 trong các báo cáo hàng tuần trong nước dao động từ 0,05% đến 0,3% và đây là một mức rất thấp", Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CDC Trung Quốc) cho biết trong một bài báo đăng trên trang web chính thức của cơ quan này hôm 14/5.

Cùng với việc số ca nhiễm JN.1 giảm ở Trung Quốc, các chuyên gia tin rằng khả năng KP.2 trở thành chủng COVID-19 chiếm ưu thế tại địa phương hoặc gây ra làn sóng lây nhiễm mới là thấp - CDC Trung Quốc lưu ý. JN.1 là biến thể COVID-19 chiếm ưu thế hiện nay ở nước này.

CDC Trung Quốc cũng chỉ ra rằng chưa có bất kỳ báo cáo nào cho thấy những thay đổi đáng kể về "khả năng gây bệnh hoặc khả năng trốn tránh miễn dịch" của KP.2 so với JN.1.

Biến thể COVID-19 KP.2 mới khó có thể gây ra làn sóng lây nhiễm ở Trung Quốc - Ảnh 1.

(Ảnh: NDTV)

Kể từ ngày 3/5, KP.2 đã được đưa vào danh sách "các biến thể COVID-19 đang được theo dõi" của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Theo trang web của WHO, thuật ngữ này được sử dụng để báo hiệu cho các cơ quan y tế công cộng rằng biến thể COVID-19 có thể cần được ưu tiên quan tâm và theo dõi.

KP.2 hiện là chủng virus SARS-CoV-2 chiếm ưu thế ở Mỹ với khoảng 28,2% số ca nhiễm, tăng từ 1,4% vào giữa tháng 3 - hãng tin Mỹ Theo ABC News đưa tin trích dẫn dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ. Chủng virus này đã lan sang các nước phương Tây khác như Anh và Australia.

Ở châu Á, theo Bangkok Post, Thái Lan đã báo cáo có 9 trường hợp mắc KP.2.

KP.2 thuộc một nhóm biến thể COVID-19 mà các nhà khoa học đặt tên là "FLiRT" - theo tên kỹ thuật của các đột biến của chúng. Các chủng trong nhóm này đều là hậu duệ của biến thể JN.1, loại biến thể này đã lan truyền nhanh chóng khắp thế giới vài tháng trước.

Theo ông Andrew Pekosz, nhà virus học tại Đại học Johns Hopkins, giống như JN.1 và các biến thể Omicron trước đây, có thể mất từ 5 ngày trở lên trước khi một người bắt đầu phát triển các triệu chứng sau khi tiếp xúc (với người bệnh), mặc dù các triệu chứng có thể xuất hiện sớm hơn.

Ông nói thêm: "Khi nói đến các triệu chứng, chúng tôi không nhận thấy có điều gì mới hoặc khác biệt ở những biến thể này. Chúng ta tiếp tục chứng kiến nhiều ca bệnh nhẹ hơn, nhưng điều đó có thể không phải vì virus yếu hơn mà do khả năng miễn dịch của chúng ta hiện đã mạnh hơn rất nhiều".

Canada phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể COVID-19 đột biến cao BA.2.86 Canada phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể COVID-19 đột biến cao BA.2.86 Phát hiện biến thể COVID-19 mới BA.2.86 ở nhiều quốc gia Phát hiện biến thể COVID-19 mới BA.2.86 ở nhiều quốc gia Biến thể COVID-19 mới lan rộng khắp Vương quốc Anh Biến thể COVID-19 mới lan rộng khắp Vương quốc Anh

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước