Nền kinh tế Ai Cập đang phải đối mặt với một tình huống nguy nan, được nhiều tờ báo tại Trung Đông khắc họa như một thảm họa. Thảm họa ấy không đến từ chủ nghĩa khủng bố, cũng không phải do những bất ổn chính trị sau mùa Xuân Arab, mà nó đến từ sự bùng nổ dân số của nước này.
Giới kinh tế có một công thức để nhận biết khi nào một nền kinh tế bước vào vùng nguy hiểm vì sức ép dân số, đó là mức tăng dân số phải thấp hơn mức tăng trưởng kinh tế ít nhất 3 lần. Có như vậy điều kiện kinh tế của người dân mới không bị xuống dốc. Hiện mỗi năm dân số Ai Cập tăng 1,6 triệu người, một mức tăng khiến giới chức nước này không thể yên lòng.
Hiện Ai Cập có dân số khoảng 96 triệu người, nhưng sức ép dân số đối với Ai Cập lại trầm trọng hơn nhiều quốc gia khác, khi 95% diện tích nước này là những vùng hoang mạc không thể sinh sống.
96 triệu người Ai Cập phải sống chen chúc trên một số vùng nhỏ hẹp tại thung lũng và châu thổ sống Nile, hay một số diện tích nằm bên bờ Địa Trung Hải và Biển Đỏ. Như tại Thủ đô Cairo, mật độ dân số hiện nay là khoảng 50 nghìn người trên một cây số vuông, tức là gấp 10 lần London.
Báo Arab News cho biết, bản thân người đứng đầu cơ quan thống kê của Ai Cập cũng cảnh báo tình huống mà nước này đang phải đối mặt là một thảm họa. Với một nền kinh tế vốn đã bấp bênh sau mùa Xuân Arab, tỷ lệ lạm phát hiện lên tới 33%, sức ép dân số có thể khiến nhiều gia đình rơi vào tình trạng thiếu ăn.
Trang mạng Egypt Independent nhấn mạnh, một thực tế là ngay từ năm 2014, Chính phủ Ai Cập đã phải đối mặt với bài toán nền kinh tế không đáp ứng đủ những nhu cầu tối thiểu của dân số.
Sự bùng nổ dân số vốn đã là sức ép với mọi quốc gia, nhưng đối mặt với sự bùng nổ dân số vào thời điểm này là một mối nguy thực sự nghiêm trọng đối với Ai Cập. Được nhắc đến như một mối đe dọa, nhưng không phải giới kinh doanh không nhìn thấy những cơ hội từ sự bùng nổ dân số của Ai Cập.
Theo trang mạng Forbes Trung Đông, một lĩnh vực được các nhà đầu tư quốc tế đang hết sức lưu tâm đó là chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm. Theo các số liệu, đến năm 2050, sẽ có khoảng 55 triệu người Ai Cập trên 40 tuổi. Trong khi đó, số giường bệnh mà nước này cần thêm là khoảng 178 nghìn để đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Trước tình trạng khó khăn tài chính hiện nay, Chính phủ Ai Cập đang tích cực mời gọi các nhà đầu tư quốc tế, xem đây như là cách duy nhất để có thể cải thiện lĩnh vực y tế của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!