Rất nhiều trang báo lớn của Mỹ đưa tin, nhiều trường học và hội phụ huynh tại Mỹ đã lo ngại rằng những hình ảnh về cuộc xung đột ở Trung Đông đã bắt đầu lan rộng; từ những video bạo lực, rùng rợn, chết chóc hay hình ảnh con tin bị bắt giữ... được tung lên các nền tảng mạng xã hội - vốn rất phổ biến với trẻ em và thanh thiếu niên.
Liên minh châu Âu đã yêu cầu các mạng xã hội Facebook, Tiktok, và X (Twitter trước đây) có biện pháp xử lý những thông tin sai lệch cũng như các hình ảnh bạo lực, cực đoan liên quan tới xung đột Hamas - Israel trên các nền tảng này. Meta - công ty chủ quản của facebook cho biết sau khi xung đột bùng phát, họ đã nhanh chóng thiết lập trung tâm hoạt động đặc biệt bao gồm đội ngũ các chuyên gia, trong đó có cả những người thông thạo cả tiếng Do Thái và Arab nhằm theo dõi chặt chẽ và kịp thời ứng phó với tình hình.
Các nhóm làm việc cũng tuân thủ chính sách của tập đoàn và luật pháp địa phương, phối hợp với bên kiểm tra thực tế để hạn chế các thông tin sai lệch. Trong khi đó, Tiktok và X cho biết, đã gỡ bỏ hoặc gắn nhãn cảnh báo hàng chục nghìn nội dung, đồng thời xóa hàng trăm tài khoản truyền bá thông tin sai lệch liên quan cuộc xung đột Hamas - Israel.
Bùng nổ tin giả về trẻ em
Không chỉ phải kiểm duyệt, ngăn ngừa những hình ảnh bạo lực có thật, mà các mạng xã hội thực sự đang có một trận chiến trên mặt trận thông tin khi phải đương đầu với thông tin giả về cuộc xung đột này. Đáng chú ý là những câu chuyện giả mạo này luôn lấy trẻ em làm đối tượng và là nhân vật chính.
Một đoạn video lan tràn trên mạng xã hội TikTok những ngày qua thu hút hàng trăm nghìn lượt xem, nội dung miêu tả là Israel đang tạo ra những video giả về việc Hamas sát hại trẻ em. Tuy nhiên, đây là thông tin sai sự thật. Trên thực tế, đây là cảnh hậu trường trong bộ phim ngắn mang tên Empty Place được phát hành trên youtube hồi năm ngoái, bên dưới video cũng có mọt số bình luận phản bác rằng, đây là tin giả nhưng không phải ai cũng dừng lại đọc và kiểm chứng thông tin. Việc nhanh tay chia sẻ những thông tin giật gân có vẻ dễ dàng hơn nhiều.
Hay 1 video có hình ảnh bé gái người Arab được quay ở Hebron, Bờ Tây đăng tải trên mạng xã hội Instagram cách đây 1 tháng lại bị khai thác và biến thành nội dung: một bé gái Do Thái bị bắt cóc ở bên cạnh tay súng Hamas. Chủ tài khoản gốc đã bị tấn công mạng và bị xóa tài khoản.
Ông Nguyễn Đăng Quỳnh - CEO Công ty Vitamin Group: Người trẻ khi lên mạng xã hội, ngoài rủi ro về bảo mật thông tin, về danh tính, thì còn phải đối mặt với thông tin xấu độc, fake news, thông tin chưa được kiểm chứng, khiến các bạn ấy có sự lệch lạc về suy nghĩ và tâm lý, thậm chí ảnh hưởng đến quá trình phát triển con người của các bạn".
Khi trẻ em trở thành nạn nhân của lạm dụng online
Câu chuyện về hình ảnh bạo lực hay giả mạo liên quan xung đột ở Dải Gaza tràn lan trên mạng xã hội chỉ là một trong những ví dụ mới nhất về việc chúng ta cần phải bảo vệ và giáo dục con em mình như thế nào trong kỷ nguyên Internet. Chỉ cần con em của quý vị được sinh ra sau năm 1997, thì nghĩa là 100% cuộc đời các em đã lớn lên trong kỷ nguyên của Internet và mạng xã hội. Đây đã trở thành cổng thông tin chủ yếu của các em, thậm chí còn trở thành người bạn tâm giao, bác sĩ tâm lý, là nơi giải trí của các em với bạn bè.
Theo thống kê của đại học LSE tại London, Anh Quốc, trên thế giới, cứ 3 người dùng Internet thì có 1 người dưới 18 tuổi. Chúng ta lo lắng mỗi khi con em mình xem điện thoại, vì sợ chúng lướt phải nội dung xấu độc. Nhưng sẽ còn đáng sợ hơn nếu con em mình lại trở thành nhân vật chính trong các nội dung độc hại đó.
Tại một ngôi trường ở Đức, các em học sinh đã từng truyền tay nhau một tin nhắn ảnh, đó là bức ảnh nhạy cảm của một bé gái không mặc quần áo. Một học sinh nhận được và bắt đầu share, hay chia sẻ cho các bạn bè của mình. Hàng trăm học sinh đã nhìn thấy bức ảnh đó. Khi sự việc bị các thầy cô phát hiện, những em học sinh đầu tiên gửi bức ảnh đã được mời lên nói chuyện.
Cô Silke Muller - Hiệu trưởng trường Hatten Forest, Đức: "Chúng tôi có 803 học sinh nhưng không một em nào tìm đến các thầy cô và báo cáo sự việc này. Chúng tôi luôn giáo dục học sinh về cách ứng xử trong những trường hợp này, nhưng khi lên mạng, các em như biến thành những người khác".
Nhưng ban giám hiệu trường cũng đã có những hành động nhanh chóng để xử lý vụ việc. Một số học sinh đã bị đình chỉ học tạm thời và nhà trường cũng đã báo cảnh sát. Còn cách đây vài tuần, cảnh sát Tây Ban Nha cho biết đang tiến hành điều tra vụ phát tán những hình ảnh giả mạo các bé gái chưa thành niên khỏa thân. Đáng nói là những bức ảnh này hoàn toàn được tạo ra bằng A.I, dùng ảnh gương mặt của các bé để ghép vào hình ảnh nhạy cảm. Vụ việc đã gây ra làn sóng phẫn nộ trong dư luận nước này.
Chị Miriam Al Adib - Phụ huynh của nạn nhân ảnh giả mạo: "Khi con gái cho tôi xem bức ảnh, nếu không phải là mẹ ruột và mình biết cơ thể con mình trông như thế nào, thì tôi cũng không thể nào nhận ra đó là hình ảnh giả mạo".
Những thủ phạm đã đe dọa tống tiền các bé gái này suốt 2 tháng qua, các em đều mang tâm lý sợ hãi, không dám kể với ai. Nạn nhân thì sợ hãi, còn những thanh thiếu niên xem được những bức ảnh nhạy cảm thì lại chọn sự im lặng và âm thầm phát tán. Dù ở phía nào của màn hình điện thoại - nạn nhân trong clip hay người xem - thì dường như trẻ em, thanh thiếu niên đang phải đối mặt với những rủi ro lớn chưa từng thấy trong bối cảnh mạng Internet, mạng xã hội và công nghệ A.I phát triển vũ bão.
Những cách để bảo vệ thanh thiếu niên khỏi rủi ro trên mạng
Hơn 75% các bậc cha mẹ thường xuyên chia sẻ về con mình trên mạng xã hội. Cứ 10 phụ huynh thì có tới 8 người kết bạn với người xa lạ trên Facebook và những đứa trẻ không hề được hỏi ý kiến… cho tới khi gương mặt của các em bị kẻ xấu thu thập. Trong tương lai có thể gương mặt các em sẽ bị dùng để thế thân cho những kẻ tội phạm. Bị làm giả giấy tờ tùy thân hoặc làm giả thẻ tín dụng ngân hàng. Các em có thể sẽ bị gán cho những tội danh từ trên trời rơi xuống, chỉ vì vài bức ảnh thời thơ ấu trên facebook bố mẹ, hoặc bị lợi dụng cho những mục đích đen tối khác… Ngoài việc thận trọng hơn khi chia sẻ hình ảnh con em trên mạng, các bậc phụ huynh còn được UNICEF khuyến nghị sử dụng tối đa các công cụ kiểm soát ở các ứng dụng dành cho trẻ. Nếu có thể, hãy yêu cầu con mình dùng iPad
hay điện thoại chỉ khi nào có bố mẹ ở gần bên và quy định thời gian cụ thể. Hãy trò chuyện cởi mở chân thành với con về những hoạt động trên mạng của con, và cố gắng biết được con mình đang giao lưu với những ai ở trên mạng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!