WHO báo động số ca mắc sởi tại châu Âu trong năm 2023 đã tăng gấp 30 lần so với năm 2022 (Ảnh: AFP)
Tổ chức Y tế thế giới cho biết các ca mắc sởi được báo cáo ở 40 trong tổng số 53 nước ở khu vực châu Âu. Trong đó, có 21.000 bệnh nhân nhập viện và 5 trường hợp tử vong liên quan sởi. Nga và Kazakhstan có nhiều ca nhất với 10.000 trường hợp ở mỗi nước. Ở khu vực Tây Âu, Anh có nhiều người mắc nhất với 183 ca.
Theo WHO, cứ 5 ca mắc bệnh sởi thì có 2 ca là trẻ em 1 - 4 tuổi, 1 trong 5 bệnh nhân là người trên 20 tuổi. Xu hướng này dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu người dân không cho trẻ đi tiêm phòng.
WHO cũng cho biết tỉ lệ tiêm ngừa sởi tại châu Âu cũng như trên toàn thế giới đã giảm mạnh kể từ đại dịch COVID-19. Ước tính có khoảng 1,8 triệu trẻ sơ sinh châu Âu không được chủng ngừa bệnh sởi trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2022.
Bệnh sởi có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng (Ảnh: Politico/iStock)
Theo cảnh báo của WHO, sau khi du lịch quốc tế bùng nổ trở lại và các biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ, nguy cơ bệnh sởi lây lan qua biên giới và trong cộng đồng gia tăng. Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge cho rằng tiêm chủng là cách duy nhất để bảo vệ trẻ em khỏi căn bệnh nguy hiểm tiềm tàng này.
WHO mô tả đây là một tình trạng "rất đáng lo ngại" và kêu gọi các quốc gia cần gấp rút chuẩn bị và ứng phó kịp thời với khả năng dịch sởi bùng phát. Hôm 20/1, Anh tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia khi số ca mắc bệnh sởi tăng vọt tại nước này, theo tờ The Guardian.
Trước đó, dịch sởi đột ngột bùng phát tại châu Âu ở mức độ nghiêm trọng, với 72 người đã chết vì sởi trong năm này tại châu Âu, khiến WHO phải lên tiếng cảnh báo vào giữa năm 2018.
Sởi là một căn bệnh do virus gây ra và lây lan qua đường hô hấp, đặc biệt là ở trẻ em. Bệnh này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng đối với phổi và não, gây tàn tật, thậm chí tử vong.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!