Tàu chở dầu Nga tại cảng Sheskharis ở thành phố Novorossiysk, Nga. (Ảnh minh họa: AP)
Mức giá 60 USD/thùng là do Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đề xuất. Theo Ủy ban châu Âu (EC), các đại diện thường trực của EU đã đồng ý về đề xuất của Nhóm G7 áp đặt mức trần đối với giá dầu thô của Nga vận chuyển bằng đường biển là 60 USD/thùng, với mục đích hạn chế nguồn thu của Nga trong khi vẫn để dầu mỏ của Nga lưu thông trên thị trường quốc tế.
Mức trần giá này có hiệu lực đồng thời với lệnh cấm vận của EU đối với dầu mỏ từ Nga vào ngày 5/12. Theo đó, từ ngày 5/12, các nước EU sẽ không còn mua dầu thô xuất khẩu của Nga. Khối này cũng sẽ ngừng nhập khẩu các sản phẩm từ dầu của Nga từ ngày 5/2 tới. Theo EC, mức giá trần đối với các sản phẩm dầu của Nga trong thời gian tới sử dụng cùng cơ chế đối với giá dầu thô.
Ngoài ra, cũng từ ngày 5/12, các công ty vận tải biển của EU sẽ chỉ được phép chuyên chở dầu thô của Nga nếu mặt hàng này được bán với giá bằng hoặc thấp hơn mức giá trần nói trên.
Cảng dầu thô Kozmino gần thành phố Nakhodka, Nga. (Ảnh: Reuters)
Việc áp đặt mức giá trần đồng nghĩa với việc các nước tham gia sẽ chỉ được phép mua dầu và những sản phẩm từ dầu mỏ vận chuyển qua đường biển được bán bằng hoặc thấp hơn mức giá trần. Ngoài ra các công ty vận tải biển và bảo hiểm của EU sẽ chỉ được phép chuyên chở dầu thô của Nga nếu mặt hàng này được bán với giá bằng hoặc thấp hơn mức giá trần nói trên.
Phần lớn các công ty vận chuyển và bảo hiểm lớn đều có trụ sở tại các nước G7 nên việc giới hạn giá được cho là sẽ khiến Nga rất khó bán dầu với giá cao hơn mức giá đã định.
Phản ứng về động thái trên, Nga khẳng định sẽ tiếp tục tìm được khách hàng mua dầu mỏ của nước này và cho rằng, việc các chính phủ phương Tây áp giá trần đối với dầu mỏ Nga là động thái "nguy hiểm".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!