Ngày 30/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ nhóm họp lần thứ 3 trong vòng một tuần để quyết định dịch bệnh do virus corona có được coi là tình trạng khẩn cấp quốc tế hay không do xuất hiện những lo ngại về tình trạng lây từ người sang người đã được ghi nhận bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Trung Quốc đã quyết định kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến ngày 2/2 trong bối cảnh số ca tử vong trên toàn Trung Quốc là 170 người. Với trường hợp nhiễm bệnh ở Tây Tạng đã được xác nhận, virus Corona đã lan tới tất cả 31 tỉnh và vùng tự trị ở Trung Quốc. Đáng chú ý là gần như toàn bộ bệnh nhân trong số gần 7.800 ca nhiễm virus Corona ở 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đều là người Trung Quốc. Mặc dù đến cuối ngày 29/1 đã có 124 bệnh nhân được chữa khỏi và xuất viện nhưng vẫn còn hàng nghìn người đang được điều trị trong tình trạng nguy kịch.
Còn tại Việt Nam, trong số 97 ca nghi nhiễm viêm phổi cấp do chủng virus Corona mới, có 65 ca xét nghiệm âm tính, 32 ca được tiếp tục theo dõi.
Ngày 20/1, một nam công dân Hàn Quốc 54 tuổi từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc trở về Seoul đã bị nhiễm virus Corona mà không đến bệnh viện kiểm tra và sống trong cộng đồng đến ngày 25/1.
Ngày 23/1, Đại sứ quán Trung Quốc tại Paris, Pháp đã tìm ra một người phụ nữ đi từ Vũ Hán sang Pháp qua mặt kiểm tra y tế ở sân bay bằng cách uống thuốc hạ sốt và lập tức yêu cầu người này đến cơ sở y tế.
Ngày 25/1, cảnh sát bang Johor của Malaysia đã tạm giữ một đôi vợ chồng Trung Quốc cố tình né tránh các trạm kiểm dịch tại sân bay Sennai và không cho con kiểm tra sức khỏe bất chấp khuyến nghị của bác sỹ đưa đứa trẻ tới bệnh viện làm các xét nghiệm chuyên khoa.
Ngày 25/1, Đài Loan buộc một nam bệnh nhân được xác nhận nhiễm virus Corona tại Đài Loan nộp phạt 10.000 USD do không khai báo về các triệu chứng nhiễm bệnh sau khi trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc mà tiếp tục đi hộp đêm và không đeo khẩu trang. Hơn 80 người tiếp xúc với người bệnh được theo dõi chặt chẽ đến hết ngày 5/2.
Ngày 26/1, Thị trưởng Vũ Hán Zhou Xianwang cho biết, 5 triệu người đã rời khỏi thành phố này trước khi lệnh phong tỏa được đưa ra. Còn 9 triệu người ở lại thành phố, trong số này có hơn 2.000 người được xác định nhiễm virus Corona.
Ngày 28/1, Malaysia bắt giữ một nghi phạm và truy lùng ba nghi phạm tung tin giả trên mạng xã hội về số người nhiễm bệnh và tử vong vì virus Corona. Nếu bị tuyên có tội, người này có thể phải trả mức tiền phạt tương đương 284 triệu đồng và/hoặc bị phạt tù 1 năm. Việc lan truyền thông tin khiến cho người dân hoang mang và lo sợ cũng có thể bị tuyên phạt bổ sung đến 2 năm tù và/hoặc đóng thêm một khoản tiền phạt bổ sung.
Ngày 29/1, Campuchia bác tin đồn một công dân Trung Quốc tử vong tại bệnh viện tỉnh Preah Sihanouk vì nhiễm virus Corona. Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã tổ chức họp báo kêu gọi người dân không quá lo sợ dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona mới, đồng thời cảnh cáo một số phóng viên và một số đơn vị báo chí đã đưa thông tin không đúng sự thật, gây hoang mang cho người dân về dịch bệnh viêm phổi cấp ở Campuchia.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào ngày 30/1 vừa lên tiếng cảnh báo sẽ xử lý mạnh tay đối với hành vi phát tán tin giả và che giấu thông tin về dịch viêm phổi do virus Corona. Đồng thời, ông Moon yêu cầu các cơ quan chức năng nước này công bố thông tin liên quan đến dịch bệnh một cách nhanh chóng và minh bạch để người dân kịp thời ứng phó trong bối cảnh thông tin sai lệch và vi phạm quy định phòng chống dịch được coi là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh nguy hiểm này lan rộng.
Trong những ngày qua, Facebook, Google và Twitter đang phối hợp với các tổ chức khoa học công bố những bản kiểm chứng thông tin và phát hiện tin sai lệch về nguồn gốc của virus Corona mới và cách thức lây lan của chủng virus này cũng như chỉ dẫn các phương pháp điều trị không có cơ sở khoa học, dán nhãn thông tin thiếu chính xác, đồng thời ưu tiên hiển thị nguồn tin đáng tin cậy từ cơ quan chức năng cho người dùng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!