Các nước trong cuộc chiến kép chống chọi với thiên tai và ngăn chặn dịch bệnh lan rộng

Chuyển động 24h-Thứ tư, ngày 18/08/2021 11:27 GMT+7

VTV.vn - Lũ lụt kỷ lục tại châu Âu, Trung Quốc, nắng nóng thiêu đốt Bắc Mỹ, động đất, hạn hán, thiên tai kinh hoàng là tác nhân mới khiến dịch COVID-19 lây lan phức tạp.

Tiêu điểm: Nhiều nước vừa chống dịch vừa ứng phó với thiên tai

Thiên tai làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch

Thiên tai vốn là nguyên nhân trực tiếp cướp đi sinh mạng của nhiều người mỗi năm. Trong thời điểm hiện nay, thiên tai còn gây ra hệ lụy làm tăng tỷ lệ lây lan và tử vong do COVID-19.

Tại Mỹ, nghiên cứu mới được Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan của Mỹ cho thấy, khói từ các đám cháy rừng lớn ở phía Tây nước này đã làm tăng tỷ lệ mắc COVID-19 lên gần 20% ở một số hạt nhất định tại các bang California, Washington và Oregon. 

Ở một số nơi, ô nhiễm không khí đã góp phần vào hơn một nửa số ca tử vong vì COVID-19. Các nhà khoa học cho rằng, chất ô nhiễm thải ra có thể giúp lây lan virus, đồng thời làm suy yếu phổi của con người, tăng khả năng người nhiễm virus bị bệnh nặng hoặc tử vong. 

Ngoài ra, theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, nguy cơ lây lan dịch bệnh cũng gia tăng khi số lượng lớn người dân phải sơ tán đến những nơi trú ẩn tập trung do thiên tai.

Vì sao thiên tai khiến dịch COVID-19 lây lan?

Có một thực tế là nơi nào xảy ra thiên tai, dịch COVID-19 tại đó càng diễn biến phức tạp và khó lường.

Lây lan COVID-19 do sơ tán dân cư

Khi thiên tai xảy ra, việc di tản dân cư có thể là yếu tố gia tăng nguy cơ lây lan dịch COVID-19. Nguyên nhân là vì những địa điểm sơ tán thường là trường học, nơi sinh hoạt cộng đồng. Việc tập trung đông người tại các địa điểm thiếu cơ sở vật chất trong phòng chống COVID-19 tạo ra nguy cơ hiện hữu. 

Trong khi đó, hiện biến thể Delta đang có tốc độ lây lan nhanh hơn phiên bản virus gốc của nó tới 225%, tức là chỉ mất vài giây để một người bị nhiễm COVID-19 khi một người lạ đi ngang qua họ.

Các nước trong cuộc chiến kép chống chọi với thiên tai và ngăn chặn dịch bệnh lan rộng - Ảnh 2.

Trong lúc thiên tai hoành hành, người dân sẽ khó tuân thủ các biện pháp phòng dịch. (Ảnh: AP)

Hệ thống y tế yếu kém 

Sau vụ động đất ở Haiiti vào ngày 14/8, các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. Người dân nằm điều trị trong cả những khu lán trại dựng tạm bên ngoài các bệnh viện. Các bác sĩ đang phải làm nhiệm vụ cứu người trong điều kiện hết sức thiếu thốn. 

Nhiều bệnh viện thông báo thiếu thuốc kháng sinh và thuốc gây mê. Hệ thống y tế vốn đã yếu kém của Haiti giờ phải chịu cả hệ quả của động đất là một phần nguyên nhân dịch COVID-19 được dự báo sẽ bùng phát mạnh tại nước này.

Lây lan COVID-19 khi tái thiết 

Thậm chí, kể cả sau khi thiên tai đã xảy ra, người dân quay lại nhà và bắt đầu thực hiện tái thiết, nguy cơ dịch bệnh vẫn hiện hữu. Tại Đức, sau trận lụt lịch sử, quá trình người dân tái thiết được đánh giá là nguyên nhân gây lây lan COVID-19.

Sau khi một thiên tai xảy ra, truyền thông địa phương và giới chức y tế lại đau đầu trước những nguy cơ dịch bệnh bùng phát, đặc biệt là hiện nay, khi biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang hoàng hành.

Các nước trong cuộc chiến kép chống chọi với thiên tai và ngăn chặn dịch bệnh lan rộng - Ảnh 3.

Trận động đất kinh hoàng ở Haiiti (Ảnh: AP)

Hướng dẫn ứng phó thiên tai và COVID-19 với người dân

Những thảm họa thiên nhiên vốn là mối đe dọa thường trực với các quốc gia. Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, cứ mỗi khi xảy ra thiên tai, các quốc gia đều phải chiến đấu cùng lúc trên 2 mặt trận chống chọi với thiên tai và ngăn chặn dịch bệnh lan rộng. 

Vì thế, điều quan trọng lúc này là mỗi quốc gia, mỗi người dân là cần có sự chuẩn bị kỹ càng trước khi thiên tai ập đến. Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã vừa đưa ra một bản hướng dẫn về ứng phó với thiên tai trong bối cảnh COVID-19.

Trong trường hợp phải đi sơ tán do thiên tai, người dân cần:

- Lưu các số điện thoại cứu hộ quan trọng để liên lạc trong trường hợp khẩn cấp.

- Chuẩn bị túi vật dụng thiết yếu khi đi sơ tán trong bối cảnh thiên tai và COVID-19, bao gồm: khẩu trang, nước rửa tay với nồng độ cồn trên 60%, đồ ăn khô, nước uống, thuốc men cơ bản, xà phòng, nhiệt kế, băng cá nhân, khăn lau khử trùng, quần áo, khăn và chăn, bàn chải và kem đánh răng, đèn pin, điện thoại và sạc, giấy tờ tùy thân giữ trong túi chống thấm.

Trong trường hợp không phải đi sơ tán, người dân cần:

- Gia cố nhà cửa, cất đồ đạc lên cao, tắt các nguồn điện nếu có nước lũ.

- Mỗi gia đình cần chuẩn bị cho trường hợp không có nước sạch và điện với những đồ dùng sau: nước uống đủ dùng cho 5 - 7 ngày, các loại thực phẩm ăn sẵn không cần chế biến, đồ hộp, đèn chiếu sáng, sạc pin đủ dùng cho các thiết bị cần thiết và túi vật dụng thiết yếu phòng trường hợp phải đi sơ tán.

Ngay lúc này, tại Việt Nam, dịch bệnh COVID-19 hoành hành, vì thế chúng ta càng cần phải có các phương án ứng phó cho trường hợp thiên tai xảy đến, nếu không sẽ rất dễ rơi vào tình trạng bối rối. 

Theo chuyên gia về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai UNICEF Việt Nam, để hạn chế những thiệt hại do thiên tai và dịch COVID-19 gây ra, các tỉnh, thành phố cần tập trung thực hiện phương châm 4 tại chỗ kết hợp thông điệp 5K và chiến lược vaccine.

Đối phó thế nào với khủng hoảng tâm lý vì COVID-19? Đối phó thế nào với khủng hoảng tâm lý vì COVID-19? Iran đối mặt với mối nguy hiểm lớn từ đại dịch COVID-19 Iran đối mặt với mối nguy hiểm lớn từ đại dịch COVID-19 Triển vọng phát triển vaccine COVID-19 từ thực vật với khả năng sinh kháng thể nhiều gấp 50 lần Triển vọng phát triển vaccine COVID-19 từ thực vật với khả năng sinh kháng thể nhiều gấp 50 lần

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước