Hoài nghi về vaccine COVID-19 của AstraZeneca
Trong tuần qua, một loạt quốc gia đã dừng sử dụng vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca. Trong khi đó, khi bắt đầu được lưu hành, vaccine này đã được kỳ vọng là "vaccine của thế giới" bởi giá thành phải chăng và dễ bảo quản.
Mới chỉ tiêm phòng được cho chưa đầy 10% dân số và đang bị làn sóng dịch thứ 3 đe dọa, hơn 10 nước châu Âu đã dừng sử dụng vaccine COVID-19 do hãng AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford phát triển. Nguyên nhân được đưa ra là có một số người xuất hiện cục máu đông sau khi tiêm vaccine này ở Na Uy. Tuy nhiên, khuyến cáo "trước sau như một" của Tổ chức Y tế Thế giới vẫn là vaccine được dùng trên cơ sở cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro. Và trong trường hợp của vaccine AstraZeneca, lợi ích vượt trội rủi ro.
Thống kê cho đến cuối tuần trước cho thấy, vaccine phòng COVID-19 của hãng AstraZeneca được sử dụng ở 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, là loại vaccine phổ biến thứ hai trên thế giới. Khoảng 17 triệu người ở Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh đã được tiêm vaccine của AstraZeneca. Trong số này, có gần 40 trường hợp xuất hiện tình trạng đông máu.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) và nhà sản xuất AstraZeneca đều đã chính thức trấn an dư luận về mối lo ngại này. Trong cuộc họp báo diễn ra vào chiều tối 18/3 (theo giờ địa phương), EMA khẳng định tính an toàn và hiệu quả của vaccine AstraZeneca.
WHO và EMA đã khẳng định tính an toàn của vaccine AstraZeneca. (Ảnh: AP)
Sau tuyên bố của EMA, ít nhất 10 quốc gia châu Âu thông báo sẽ sớm nối lại việc tiêm chủng bằng vaccine của AstraZeneca, bao gồm Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Italy và Hà Lan.
WHO và Cơ quan Giám sát y tế Anh trước đó cũng xác định, vaccine AstraZeneca an toàn và việc dừng tiêm gây nguy cơ cao hơn nhiều vì một số quốc gia đang đối mặt với tình trạng số ca nhiễm COVID-19 mới tăng nhanh đáng lo ngại.
Trong bối cảnh châu Âu đang băn khoăn về vaccine AstraZeneca, lúc này Nga đã xúc tiến việc ký thỏa thuận để đưa vaccine Sputnik V vào EU. Truyền thông châu Âu cho biết, các công ty tại Đức, Pháp, Tây Ban Nha đã đạt thỏa thuận để sản xuất vaccine Sputnik V. Dù EMA chưa phê chuẩn vaccine Sputnik V nhưng Hungary đã chủ động nhập những lô vaccine này từ Nga để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.
Không ít ý kiến của các chuyên gia y tế đã chỉ trích giới chức EU quá thận trọng, mất thời gian vào những tranh cãi, hoài nghi về vaccine AstraZeneca và Sputnik V. Sự chần chừ này khiến tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 trong khối vốn chậm lại càng chậm. Theo đó, chưa đến 10% dân số châu Âu được tiêm vaccine, trong khi hơn 30% người dân Mỹ và 17% cư dân Anh đã được tiêm.
Cộng đồng gốc Á yêu cầu công lý tại Mỹ
Trong tuần này, tại Mỹ lại xảy ra một loạt vụ xả súng được thực hiện bởi một thanh niên da trắng, cướp đi sinh mạng của 8 người, trong đó có tới 6 phụ nữ gốc Á.
Vụ việc như "đẩy bật nút khỏi chai" chứa cảm xúc vốn đã bị nén chặt trong chịu đựng lâu nay của người gốc Á tại Mỹ, từ sợ hãi đến phẫn nộ và nay đứng lên yêu cầu công lý ở một đất nước vốn được làm nên từ nhiều sắc tộc như nước Mỹ.
"Sinh mạng người dân châu Á cũng có giá trị" là câu nói được đưa lên nhiều diễn đàn, mạng xã hội trong tuần này ở Mỹ. Cộng đồng người gốc Á đã không kiềm chế được cảm xúc hơn nữa sau gần 3.800 vụ việc tấn công người Mỹ gốc Á kể từ đầu đại dịch COVID-19 đến nay.
Vụ một thanh niên da trắng đi lần lượt 3 cơ sở spa để xả súng, khiến 6 phụ nữ gốc Á thiệt mạng chỉ trong vòng khoảng 1 giờ đồng hồ vào tối 16/3 đã đẩy xúc cảm của cộng đồng lên đỉnh điểm. Trong sợ hãi và phẫn nộ, người gốc Á ở Mỹ đang có những biện pháp và cách nhìn nhận của riêng mình.
Tuần hành phản đối kỳ thị và bạo lực đối với người gốc Á tại Mỹ. (Ảnh: AP)
Hai ngày sau vụ xả súng, Quốc hội Mỹ đã có phiên điều trần, lên án không chỉ vụ xả súng mà cả tình trạng thù hận nhằm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á.
Hiện ở nhiều địa phương, nơi có nhiều người Mỹ gốc Á, cảnh sát đã tăng cường sự hiện diện và tuần tra nhằm răn đe và ngăn chặn những hành động thù hận có thể xảy ra. Tuy nhiên, tâm lý lo ngại vẫn đang bao trùm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!