Các triệu phú Trung Quốc tiếp tục ra đi. Dòng tiền "thất thoát" có thể gây thiệt hại hơn trước.
Mặc dù cuộc "di cư" hàng năm của các triệu phú đô la không phải là điều gì mới mẻ đối với Trung Quốc, nhưng hiện nay những lý do mà họ ra đi là chưa từng thấy.
Năm nay, Trung Quốc một lần nữa sẽ chứng kiến tình trạng "thất thoát" triệu phú đô la hàng năm lớn nhất thế giới, theo một dự báo mới được đưa ra trong bối cảnh các điều kiện kinh tế khó khăn, hậu quả của đại dịch COVID-19 và tình trạng quan hệ căng thẳng với một số đối tác thương mại lớn của nước này.
Công ty tư vấn di cư đầu tư Henley & Partners ước tính rằng Trung Quốc đại lục sẽ mất 13.500 cá nhân giàu có - những người có tài sản có thể đầu tư với tổng trị giá hơn 1 triệu USD. Sau Trung Quốc là Ấn Độ, với 6.500 triệu phú sẽ ra đi, dù sao cũng được coi là tin vui vì năm ngoái Ấn Độ mất 7.500 triệu phú. Năm nay, Vương quốc Anh được dự báo đứng ở vị trí thứ ba, sẽ mất 3.200 triệu phú, tăng gấp đôi so với năm 2022. Tiếp theo trong danh sách những nơi mất nhiều triệu phú nhất là Nga, Brazil, Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Mexico, Nam Phi và Nhật Bản.
Cũng theo dữ liệu trong "Báo cáo di chuyển tài sản tư nhân Henley 2023", vào năm ngoái, Trung Quốc mất 10.800 cá nhân giàu có. Tiếp theo là Nga, mất 8.500 người. Rồi đến Ấn Độ mất 7.500 người,
Theo Henley & Partners, triệu phú hoặc cá nhân có giá trị ròng cao (HNWI) là những người có khối tài sản có thể đầu tư từ 1 triệu USD trở lên.
Tiến sĩ Juerg Steffen, Giám đốc điều hành của Henley & Partners, nói rằng việc di cư của các triệu phú đã tăng đều đặn trong thập kỷ qua với khoảng 122.000 triệu phú dự kiến sẽ di cư vào năm 2023 và 128.000 triệu phú dự kiến sẽ di cư vào năm 2024.
Tại sao nhiều triệu phú di cư khỏi Ấn Độ?
Theo bà Sunita Singh-Dalal, công ty Private Wealth & Family Offices, "luật cấm thuế cùng với các quy tắc phức tạp liên quan đến chuyển tiền ra nước ngoài dễ dẫn đến hiểu sai và lạm dụng, là một vài vấn đề đã gây ra xu hướng di cư đầu tư ra khỏi Ấn Độ".
Báo cáo mới nhất cho biết Henley & Partners đã ghi nhận số lượng yêu cầu cao nhất đối với các chương trình di cư đầu tư trong quý đầu tiên của năm nay với nhu cầu đáng kể đến từ người Ấn Độ và người Mỹ.
Tuy nhiên, ông Andrew Amoils, Trưởng phòng Nghiên cứu tại công ty nghiên cứu tài sản toàn cầu New World Wealth, chỉ ra rằng "những dòng tiền chảy ra này không đặc biệt đáng lo ngại vì Ấn Độ tạo ra nhiều triệu phú mới hơn nhiều so với số lượng người di cư mất đi."
Nhưng những quốc gia nào được giới giàu có trên thế giới muốn tới nhất? Các triệu phú đang di chuyển đến đâu?
Thành phố Dubai, Các tiểu vương quốc A rập thống nhất (UAE), và Singapore vẫn là những điểm đến ưa thích của các gia đình Ấn Độ giàu có. UAE, cũng là nơi có số lượng HNWI kỷ lục vào năm ngoái, được dự báo sẽ chào đón 4.500 triệu phú trong năm nay. Còn Singapore, trước đây còn được gọi là "Thành phố thứ 5 của Ấn Độ", đặc biệt hấp dẫn nhờ chương trình "Thị thực Vàng" dành cho nhà đầu tư toàn cầu do chính phủ quản lý, môi trường thuế thuận lợi, hệ sinh thái kinh doanh mạnh mẽ và môi trường hòa bình, an toàn.
Báo cáo của Henley & Partners đã dự đoán rằng Australia sẽ chứng kiến dòng triệu phú ròng chảy vào cao nhất trong năm 2023 ở mức 5.200 người. Dòng HNWI ròng chảy vào Singapore dự kiến sẽ là 3.200 vào năm nay, trong khi Mỹ sẽ có thêm 2.100 người vào câu lạc bộ triệu phú của mình. Các quốc gia khác trong danh sách tốp 10 về dòng vốn HNWI ròng của năm 2023 là Thụy Sĩ, Canada, Hy Lạp, Pháp, Bồ Đào Nha và New Zealand.
Tại sao UAE đứng đầu toàn cầu về thu hút triệu phú mới vào năm 2022?
UAE có dòng triệu phú ròng đổ vào cao nhất thế giới vào năm ngoái, chứng kiến số lượng cư dân có giá trị ròng từ 1 triệu USD trở lên tăng 5.200 người, theo báo cáo của Henley & Partners. UAE cũng giữ vị trí hàng đầu về nhiều triệu phú nhất ở Trung Đông và Bắc Phi (MENA) vào năm 2022.
Tỷ lệ triệu phú di cư tới UAE cao được cho là nhờ các chính sách của nước này sau đại dịch COVID-19. Báo cáo của Henley & Partners cho biết, UAE được coi là nơi trú ẩn an toàn với nền kinh tế đa dạng hóa cao và có một trong những mức thuế suất cạnh tranh nhất trên toàn cầu cùng với những phẩm chất hấp dẫn khác trong thời kỳ khó khăn hiện nay. Tình trạng an toàn của UAE trước các ảnh hưởng từ cuộc xung đột ở Ucraina cũng có thể là một yếu tố góp phần khiến các triệu phú bị hút đến nước này.
Theo Henley & Partners, trước đại dịch COVID-19, UAE có dòng vốn ròng HNWI vào khoảng 1.000 mỗi năm. Đại dịch COVID-19 đã có những tác động tàn phá đối với việc di cư của triệu phú toàn cầu, đã giảm từ 110.000 xuống 12.000 từ năm 2019 đến năm 2020, khi bắt đầu đại dịch COVID-19.
Năm nay, dòng triệu phú chuyển đến UAE được dự đoán sẽ bắt đầu chậm lại, với 4.500 triệu phú nhập cư ròng. UAE như vậy sẽ xuống vị trí thứ hai sau Australia (ước tính tiếp nhận 5.200 triệu phú nhập cư ròng).
Hầu hết các triệu phú đến vào năm nay dự kiến sẽ là từ Ấn Độ, nhưng một số lượng lớn cũng đến từ Anh, Nga, Li Băng, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Nam Phi, Nigeria, Hong Kong (Trung Quốc) và Trung Quốc đại lục.
Tại sao tình trạng di cư của các HNWI lại quan trọng?
Theo Henley & Partners, số liệu thống kê về di cư của các HNWI nói lên tình trạng kinh tế của các quốc gia, cụ thể là phản ánh triển vọng kinh tế và xu hướng tương lai của một quốc gia.
"Các gia đình giàu có đặc tính cực kỳ lưu động và các hoạt động di chuyển xuyên quốc gia của họ có thể đưa ra tín hiệu cảnh báo sớm về triển vọng kinh tế của một quốc gia và các xu hướng của quốc gia đó trong tương lai." Juerg Steffen, Giám đốc điều hành của Henley & Partners, viết trong một bài báo về báo cáo của công ty này như vậy. Ông nói thêm rằng dòng chảy triệu phú khỏi một quốc gia ngày càng nhiều thường chỉ ra sự sụt giảm niềm tin vào quốc gia đó.
Bất chấp giá trị ròng của các cuộc di cư của triệu phú, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức và Vương quốc Anh vẫn giữ 5 vị trí hàng đầu vào năm 2022 trong danh sách các quốc gia giàu có nhất xét về tổng dân số HNWI, theo báo cáo của Henley 2023.
Cụ thể, Mỹ dẫn đầu với 5.270.000 triệu phú vào năm 2022. Nhật Bản đứng thứ hai tuy bị Mỹ bỏ xa, với 952.000 triệu phú. Trung Quốc đứng thứ ba với 780.000 triệu phú. Đức đứng thứ tư, với 767.700 triệu phú. Vương quốc Anh đứng thứ năm, với 651.700 triệu phú.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!