Ăn trưa là một trong những họat động được chú trọng nhất trong ngày tại trường tiểu học Sanya, thành phố Tokyo. Bữa ăn diễn ra trong sự hào hứng của các em học sinh. Trường tiểu học Sanya có một chuyên gia phụ trách vấn đề dinh dưỡng.
Ông Eguchi Toshiyuki - chuyên gia dinh dưỡng, trường tiểu học Sanya - là người nắm vững từng quy định của Bộ Giáo dục và cụ thể hóa thành các khẩu phần ăn cho học sinh. Ông cho biết: "Bộ Giáo dục quy định lượng calori cho từng độ tuổi. Đối với học sinh lớp 3 lớp 4 thì con số này là 640 kilo calori. Ngoài ra, tỷ lệ canxi và protein cũng được quy định rõ".
Canxi và protein có nhiều nhất trong sữa bò nên đây là phần không thể thiếu trong mỗi bữa ăn. Khẩu phần sữa cho các em mỗi bữa là 200 cc, tương đương 260 gram, được đóng trong các bình sữa tiêu chuẩn.
Hiệu trưởng trường Sanya, thầy giáo Yamagishi vẫn còn nhớ những năm tháng khó khăn khi Nhật Bản vừa bước ra từ chiến tranh thế giới thứ 2. Đất nước bị tàn phá, các ngành công nghiệp gần như tê liệt, Nhật Bản phải sống bằng tiền viện trợ nước ngoài. Nhưng trong thời điểm thiếu thốn nhất, Chính phủ Nhật Bản vẫn dành một phần ngân sách đáng kể cho các trường học để lo bữa ăn cho học sinh.
Nhận thức được ý nghĩa của những bữa ăn trong trường học, thầy Yamagishi đã nỗ lực đưa trường Sanya trở thành hình mẫu về việc chăm lo ăn uống cho học sinh. Học sinh được khuyến khích không bỏ bữa sáng, ăn hết khẩu phần và ăn nhiều món khác nhau để hấp thu đủ dinh dưỡng.
Những chính sách của Nhật Bản sau nhiều thập niên đã đạt kết quả to lớn trong việc cải thiện thể chất cho học sinh. Chiều cao trung bình của nam giới Nhật Bản đã tăng từ 160 năm 1950 lên 171.5 năm 2010, trong khi chiều cao nữ giới tăng từ 148,9 lên 158,3. Sự cải thiện thể chất cũng đồng thời giúp người Nhật Bản làm việc bền bỉ hơn, hiệu quả hơn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!