Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 8/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trung Quốc sẽ bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 cho thanh thiếu niên ngay trong tháng này. Hiện Trung Quốc đã tiêm 1,4 tỷ liều vaccine trên tổng cộng gần 3,5 tỷ liều vaccine được tiêm toàn thế giới.
Người từ 15-17 tuổi ở Trung Quốc sẽ được tiêm trong những tuần tới, tháng sau tới người 12-14 tuổi. Mục tiêu tới cuối tháng 10 sẽ tiêm hết cho thanh thiếu niên. Hiện vaccine Trung Quốc dùng để tiêm chủng cho toàn dân là vaccine của Sinovac và Sinopharm. Tổng cộng Trung Quốc đã có 40% dân số được tiêm đủ 2 mũi, tới cuối năm sẽ đạt mục tiêu 70% dân số tiêm đủ 2 mũi.
Tình hình dịch bệnh tại Lào đã có những tín hiệu tích cực khi nước này không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng, toàn bộ 75 ca mắc mới đều là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Tuy nhiên, Bộ Y tế Lào vẫn lo ngại trước sự nguy hiểm và nguy cơ lây nhiễm biến thể Delta khi lao động Lào trở về từ Thái Lan - nơi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Lào khuyến khích công dân từ Thái Lan về nước theo đường chính ngạch. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 2.976 ca mắc, trong đó có 3 ca tử vong.
Campuchia thông báo 5.104.846 người gồm công chức, lực lượng vũ trang, người dân và người nước ngoài sinh sống và làm việc tại nước này đã được tiêm vaccine phòng COVID-19. Campuchia đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng trong bối cảnh biến thể Delta lây lan nhanh khiến số ca mắc và tử vong tiếp tục tăng. Trong ngày 14/7, Campuchia ghi nhận thêm 33 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 986 người, và thêm 915 ca mắc, nâng tổng số ca mắc lên là 63.615, trong đó 55.615 ca đã khỏi bệnh.
Malaysia ghi nhận thêm 11.618 ca mắc mới, là ngày thứ hai liên tiếp quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Malaysia ghi nhận tổng cộng 867.567 ca mắc COVID-19. Số ca mắc mới ở Malaysia gần đây tăng mạnh là do tăng cường năng lực xét nghiệm tại đại đa số khu vực đang thực hiện Lệnh hạn chế di chuyển tăng cường (EMCO) thuộc bang Selangor và lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur.
Tình hình COVID-19 chuyển biến xấu, Seoul áp lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn để ngăn dịch. Ảnh: Reuters
Hàn Quốc ngày 14/7 đã nâng mức giãn cách xã hội trên khắp cả nước sau khi nước này tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục. Riêng trong ngày 14/7, nước này có thêm 1615 ca mắc mới COVID-19.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chính phủ đã nâng mức giãn cách xã hội từ mức 1 lên mức 2 tại 10 trên 14 tỉnh thành phố. Riêng thủ đô Seoul và tỉnh Gyeonggi lân cận, trước đó đã áp đặt mức giãn cách xã hội cao nhất.
Với việc giãn cách ở mức 2, các buổi tụ tập chỉ được giới hạn tới tối đa 8 người. Các cơ sở tập trung đông người cũng bị hạn chế một phần hoạt động kinh doanh. Các địa điểm thi đấu thể thao, bảo tàng, quán massage, bị giới hạn về số người. Các cơ sở tôn giáo chỉ được cho phép tập trung dưới 30% sức chứa. Song song với việc tăng cường các biện pháp phòng dịch, Hàn Quốc cũng đang tích cực tăng cường tiêm vaccine.
Tại châu Âu, chính quyền thủ đô London tiếp tục yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng sau ngày 19/7, thời điểm dự kiến dỡ bỏ phần lớn các biện pháp hạn chế được áp dụng để phòng chống dịch. Chính quyền London nhận định việc bắt buộc đeo khẩu trang sẽ là một "lớp phòng vệ" hữu hiệu, mang lại sự yên tâm cho cư dân thủ đô và du khách. Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết hầu hết các quy định phòng chống dịch COVID-19 tại nước này sẽ được dỡ bỏ vào ngày 19/7, song chính phủ sẽ đưa ra các hướng dẫn mới nhằm kiểm soát dịch bệnh và đề cao ý thức phòng dịch của cá nhân. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo rằng quyết định dỡ bỏ các biện pháp hạn chế được đưa ra quá sớm có thể khiến số ca mắc tăng mạnh trở lại.
Người dân đeo khẩu trang khi đi bộ dọc sân ga King's Cross ngày 12/7 trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát ở thủ đô London, Anh. Ảnh: Reuters
Hy Lạp yêu cầu người dân phải có chứng nhận đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 mới được phép tới các nhà hàng, quán bar và quán cà phê phục vụ trong nhà. Đây là một trong các biện pháp nhằm cữu vãn mùa du lịch Hè của Hy Lạp. Quy định này cũng sẽ được áp dụng đối với khách hàng tại các hộp đêm, rạp chiếu phim và rạp hát. Tuy nhiên, thực khách dùng bữa ở ngoài trời sẽ không cần có chứng nhận tiêm chủng hoặc xét nghiệm. Vốn dựa khá nhiều vào ngành du lịch, Hy Lạp đang tìm cách để mở lại toàn bộ nền kinh tế. Tới nay, đã có khoảng 41% người Hy Lạp được tiêm đủ liều vaccine. Khách du lịch cần xuất trình chứng nhận đã tiêm chủng hoặc có kết quả xét nghiệm PCR âm tính mới được nhập cảnh. Hy Lạp ghi nhận tổng cộng 444.783 ca mắc, trong đó có 12.806 ca tử vong.
Malta đã hủy thực thi lệnh cấm mọi du khách nhập cảnh vào nước này nếu chưa được tiêm đủ vacccine, chỉ vài giờ trước khi lệnh này có hiệu lực vào ngày 14/7. Thay vào đó, nước này sẽ áp dụng cách ly đối với những hành khách chưa được tiêm chủng. Malta được đánh giá là một trong những quốc gia châu Âu đi đầu trong chiến dịch tiêm phòng COVID-19, với khoảng 80% dân số trưởng thành được tiêm đủ liều vaccine. Tuy nhiên, sau khi không ghi nhận các ca mắc mới và chỉ có số ít bệnh nhân đang được điều trị, đảo quốc ở Địa Trung Hải này bắt đầu ghi nhận hàng chục ca mắc mới vào đầu tháng 7.
Tính đến chiều 14/7, châu Phi ghi nhận tổng cộng 6.027.574 ca mắc COVID-19, trong đó có 153.449 ca tử vong và 5.259.921 bệnh nhân đã phục hồi. Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ethiopia và Ai Cập là các quốc gia ghi nhận số ca bệnh cao nhất tại châu Phi trong đó Nam Phi là quốc gia duy nhất trong châu lục ghi nhận số ca mắc vượt mức 2 triệu, với 2.219.316 ca. Tính về số ca bệnh, khu vực miền Nam châu Phi là vùng chịu tác động mạnh nhất, tiếp đến là các khu vực Bắc Phi và Đông Phi trong khi khu vực Trung Phi ghi nhận số ca mắc thấp nhất châu lục.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!