Căng thẳng Mỹ - Trung: Thị thực chỉ là một trong nhiều vụ việc

Thế giới hôm nay-Thứ sáu, ngày 11/09/2020 06:00 GMT+7

VTV.vn - Thị thực chỉ là một trong nhiều vụ việc trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung, bên cạnh những cuộc chiến còn đang căng thẳng về thương mại, công nghệ và sở hữu trí tuệ.

Ngày 9/9, Mỹ thông báo đã hủy thị thực của nhiều sinh viên sau đại học và nghiên cứu sinh Trung Quốc do lo ngại về vấn đề an ninh. Trong cuộc họp báo, Quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Chad Wolf cho biết, Mỹ đã dừng cấp thị thực cho 1.000 sinh viên và nghiên cứu sinh là công dân Trung Quốc nhằm bảo vệ các nghiên cứu nhạy cảm.

Ông Chad Wolf cũng nhắc lại cáo buộc của Mỹ về các hành vi thương mại gian lận và do thám của Trung Quốc, vốn đã bị Bắc Kinh mạnh mẽ bác bỏ.

Trong năm học 2018-2019, có khoảng 370.000 sinh viên Trung Quốc theo học tại các trường đại học ở Mỹ, đông nhất trong số sinh viên nước ngoài học tại Mỹ.

Việc hủy thị thực sinh viên chỉ là giai đoạn ban đầu của chiến lược siết chặt thị thực với Trung Quốc mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đang phát động. Một cuộc chiến thị thực trên nhiều mặt trận.

Căng thẳng Mỹ - Trung: Thị thực chỉ là một trong nhiều vụ việc - Ảnh 1.

Ông Chad Wolf: Mỹ dừng cấp thị thực cho sinh viên và nghiên cứu sinh là công dân Trung Quốc nhằm bảo vệ các nghiên cứu nhạy cảm

Theo sắc lệnh có hiệu lực từ tháng 6, Mỹ sẽ dừng cấp thị thực cho sinh viên cao học và nhà nghiên cứu Trung Quốc liên quan các chương trình quân sự. Dự báo sắc lệnh này có thể ảnh hưởng đến 3.000 - 5.000 sinh viên, nhà nghiên cứu Trung Quốc.

Sang tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết nước này sẽ hạn chế cấp thị thực cho các quan chức Trung Quốc có liên quan đến việc xây dựng và thực thi chính sách hạn chế người nước ngoài tại khu vực Tây Tạng.

Bộ An ninh nội địa Mỹ cũng thông báo sẽ hạn chế thời hạn visa cho phóng viên Trung Quốc xuống còn 90 ngày. Hồi tháng Ba, Mỹ đã cắt giảm số lượng công dân Trung Quốc được phép làm việc trong các văn phòng thuộc những cơ quan thông tấn báo chí lớn của Trung Quốc tại Mỹ, từ 160 người xuống còn 100 người. Washington cũng xếp 5 cơ quan truyền thông quốc gia của đại lục vào danh sách các cơ quan ngoại giao nước ngoài, buộc 60 nhà báo Trung Quốc phải rời khỏi Mỹ.

Trung Quốc đáp trả các động thái của Mỹ nhẹ hơn?

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 10/9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên phản đối việc Mỹ thu hồi thị thực hơn 1.000 sinh viên và nhà nghiên cứu là công dân Trung Quốc và cho rằng đây là hành vi "vi phạm nhân quyền".

Căng thẳng Mỹ - Trung: Thị thực chỉ là một trong nhiều vụ việc - Ảnh 2.

Sinh viên tại Đại học Syracuse, New York, hồi tháng ba. Ảnh: Reuters

Theo đài CNN, trong tuần qua, khi gia hạn thẻ nhà báo làm việc ở Trung Quốc, 7 phóng viên chỉ nhận được thư thông báo rằng đơn đăng ký của họ đang được xem xét thay vì được nhận thẻ mới. Trong đó có 1 phóng viên được trao tờ giấy cho phép nhà báo tiếp tục tác nghiệp tại Trung Quốc trong 2 tháng tới, thay vì được cấp 1 năm như trước đây.

Đầu năm nay, Bắc Kinh đã buộc 13 phóng viên của New York Times, Washington Post và Wall Street Journal nộp lại giấy chứng nhận hành nghề, tương đương với trục xuất sau động thái Mỹ giới hạn phóng viên tại các cơ quan thường trú của Trung Quốc tại Mỹ.

Cuộc chiến thị thực giữa Trung Quốc và Mỹ cũng như Trung Quốc và Australia đang diễn ra căng thẳng, nhưng các chuyên gia nhận định có lẽ Trung Quốc đang đáp trả các động thái của Mỹ nhẹ hơn, với mong muốn không làm cho tình hình thêm tồi tệ. Và phía Trung Quốc một mặt phản đối mạnh mẽ các quyết định của Mỹ, một mặt đang tăng cường trao đổi để giải quyết vấn đề.

Trung Quốc siết thị thực với phóng viên Mỹ Trung Quốc siết thị thực với phóng viên Mỹ Sinh viên Trung Quốc tại Mỹ bối rối về quy định thị thực Sinh viên Trung Quốc tại Mỹ bối rối về quy định thị thực Thất nghiệp - Cơn ác mộng của sinh viên Trung Quốc thời COVID-19 Thất nghiệp - Cơn ác mộng của sinh viên Trung Quốc thời COVID-19

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước