Đây là kết luận được đưa ra trong một báo cáo chung của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố ngày 17/5.
Theo báo cáo, so với người làm việc từ 35 đến 40 giờ/tuần, người làm việc từ 55 giờ/tuần có nguy cơ đột quỵ cao hơn 35%, trong khi nguy cơ tử vong liên quan các bệnh về tim mạch cao hơn 17%. Để đi đến kết luận trên, các nhà nghiên cứu đã tổng hợp dữ liệu từ hàng chục nghiên cứu tập hợp hàng trăm nghìn người tham gia. Đây là phân tích toàn cầu đẩu tiên về những nguy cơ đối với sức khỏe và cuộc sống của con người liên quan đến giờ làm việc kéo dài.
Bà Maria Neira, Giám đốc Cơ quan y tế, môi trường và biến đổi khí hậu của WHO nhấn mạnh thông tin trên là lời cảnh tỉnh đối với các chính phủ, chủ lao động và người lao động.
Báo cáo được công bố trên tạp chí Môi trường Quốc tế, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành khiến nhiều doanh nghiệp thay đổi phương thức làm việc, có thể dẫn tới xu hướng kéo dài thời gian làm việc.
Theo ước tính của WHO và ILO, trong năm 2016, có 398.000 người tử vong do đột quỵ và 347.000 người tử vong do bệnh tim sau khi làm việc ít nhất 55 giờ/tuần. Trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2016, số người tử vong do bệnh tim liên quan đến giờ làm việc kéo dài tăng 42%, trong khi số trường hợp đột quỵ tăng 19%. Phần lớn số ca tử vong ghi nhận được thuộc nhóm người trong độ tuổi từ 60 đến 79 - những người từng làm việc tối thiểu 55 giờ/tuần khi họ ở độ tuổi từ 45 đến 74.
Trước những con số thống kê đáng chú ý trên, WHO và ILO kêu gọi chính phủ các nước, các chủ lao động và người lao động cần phối hợp đưa ra quy định giới hạn số giờ làm việc để bảo vệ sức khỏe của người lao động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!