Theo một nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí của Hiệp hội Thận học Mỹ, những người đã được điều trị khỏi sau khi mắc COVID-19 có nguy cơ gặp phải triệu chứng tổn thương thận, mặc dù những tổn thương này có thể không gây đau đớn và không có biểu hiện.
Hãng tin Bloomberg và tờ The Washington Post cho biết, kết quả nghiên cứu trên đã chỉ ra rằng tổn thương cơ quan lọc máu có thể xảy ra ở cả những người tự phục hồi tại nhà sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 và mức độ tổn thương sẽ tỷ lệ thuận với tình trạng mắc bệnh COVID-19 trước đó. Ngay cả những bệnh nhân không nhập viện điều trị COVID-19, không có vấn đề về thận cũng có nguy cơ phát triển bệnh thận giai đoạn cuối cao hơn gấp 2 lần so với những người chưa từng mắc COVID-19.
Kết quả này đã cho thấy một hệ quả nghiêm trọng khác của bệnh COVID0-19 vốn đã khiến hơn 200 triệu người trên thế giới bị mắc bệnh. Dữ liệu nghiên cứu cho thấy, trong số 100 bệnh nhân COVID-19 ở thể nhẹ đến trung bình, sẽ có khoảng 7,8 người cần lọc máu hoặc ghép thận.
Ông Ziyad Al-Aly - Giám đốc Trung tâm Dịch tễ học lâm sàng thuộc Hệ thống Chăm sóc sức khỏe cựu chiến binh St. Louis ở Missouri (Mỹ) - cho biết: "Nếu mở rộng con số này ra toàn cầu, để ước tính những người có thể mắc bệnh thận giai đoạn cuối, thì đây không phải là một con số nhỏ".
Ông Al-Aly cũng đồng thời là chủ nhiệm công trình nghiên cứu trên. Ông đã cùng các cộng sự thu thập dữ liệu trong quá trình chăm sóc định kỳ của Cơ quan Y tế cựu chiến binh từ tháng 4 vừa qua. Các nhà khoa học đã ghi lại được hàng loạt các tác động suy nhược sau khi chẩn đoán sức khỏe của người đã khỏi bệnh COVID-19, từ đông máu, đột quỵ, đái tháo đường, khó thở dẫn đến tổn thương tim, gan và thận, trầm cảm, lo lắng và mất trí nhớ.
Nghiên cứu đã so sánh nguy cơ mắc bệnh thận ở 89.216 cựu chiến binh đã từng khỏi COVID-19 với hơn 1,7 triệu người không mắc bệnh. Theo ông Al-Aly, "vấn đề lớn ở đây là bệnh thận khó phát hiện được các triệu chứng, không có cơn đau hoặc các biểu hiện nào khác".
Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng, những bệnh nhân mắc COVID-19 không nhập viện có nguy cơ bị tổn thương thận cấp tính tăng 23% trong vòng 6 tháng - một tình trạng cản trở việc loại bỏ chất thải và chất độc ra khỏi máu. Do đó, ông Al-Aly cho rằng các bác sĩ chăm sóc những người đã khỏi COVID-19 cần phải lưu ý các dấu hiệu bệnh thận ở những bệnh nhân này. Ông nêu rõ: "Nếu điều này thực sự xảy ra ở quy mô rộng hơn, thì đây chỉ là vấn đề thời gian trước khi chúng ta thấy bệnh nhân vào bệnh viện, phải lọc máy, cấy ghép và gây tốn kém cho hệ thống chăm sóc sức khỏe".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!