Vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-19 của Triều Tiên ngày 31/10/2024. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện, Tướng Không quân Gregory Guillot, người đứng đầu Bộ Tư lệnh phía Bắc Mỹ, đã cảnh báo rằng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un "có khả năng đưa đầu đạn hạt nhân tới các mục tiêu trên khắp Bắc Mỹ". Ông nhấn mạnh với việc Triều Tiên phát triển loại tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, thời gian chuẩn bị phóng sẽ được rút ngắn đáng kể, điều này làm suy giảm khả năng Mỹ phát hiện và cảnh báo sớm trước khi tên lửa được phóng.
Tướng Guillot trích dẫn vụ thử nghiệm tên lửa Hwasong-19 vào tháng 10/2024. Đây là loại tên lửa ICBM sử dụng nhiên liệu rắn, có thể triển khai và phóng nhanh hơn so với tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng. Điều này cho thấy Triều Tiên có thể đang tiến tới sản xuất hàng loạt và triển khai tên lửa này, tăng cường sức mạnh kho vũ khí của họ và làm suy yếu niềm tin vào khả năng phòng thủ của Mỹ.
Mặc dù Triều Tiên liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa, một số quan chức quân sự Mỹ vẫn tỏ ra hoài nghi về khả năng thực sự của quốc gia này. Phát biểu tại một diễn đàn ở Washington (Mỹ) do Viện Brookings tổ chức, Đô đốc Samuel Paparo, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhận định dù đã có nhiều cuộc thử nghiệm, nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy Triều Tiên có thể gắn đầu đạn hạt nhân lên ICBM và vượt qua những thách thức của việc phóng, bay và hạ cánh qua bầu khí quyển.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm Bộ Quốc phòng ở Bình Nhưỡng, ngày 8/2 (Ảnh: KCNA / AP)
Bình luận của Tướng Guillot có thể thúc đẩy những người ủng hộ việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa, trong đó có cam kết của cựu Tổng thống Donald Trump về việc xây dựng một hệ thống phòng thủ toàn diện "Iron Dome" để bảo vệ Mỹ khỏi các cuộc tấn công. Gần đây, ông Trump đã ký sắc lệnh thúc đẩy việc sản xuất và cung cấp các hệ thống theo dõi và đánh chặn tên lửa, đồng thời phát triển khả năng ngăn chặn tên lửa sớm. Lầu Năm Góc đang hoàn thiện các chi tiết để bổ sung yêu cầu này vào ngân sách quốc phòng cho năm tài chính 2026.
Hiện tại, Mỹ đã phát triển và đưa vào hoạt động một đội gồm hơn 40 tên lửa đánh chặn tại Fort Greely, Alaska và Căn cứ Không gian Vandenberg, California, nhằm đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên.
Phát biểu trong chuyến thăm Bộ Quốc phòng Triều Tiên nhân kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên, Chủ tịch Kim Jong-un tái khẳng định chính sách kiên định phát triển hơn nữa các lực lượng hạt nhân của nước này.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên khẳng định không muốn leo thang căng thẳng không cần thiết trong khu vực nhưng sẽ thực hiện các biện pháp đối phó bền vững để đảm bảo cân bằng quân sự khu vực, qua đó ngăn chặn xung đột và đảm bảo hòa binh và an ninh trên bán đảo Triều Tiên.
Theo ông Kim Jong-un, tác động của các hành động quân sự mang tính xâm lược của liên minh Hàn - Mỹ và kẻ thù đối với an ninh quốc gia của Triều Tiên nêu bật tầm quan trọng và tính đúng đắn của việc tăng cường răn đe hạt nhân quốc gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!