Châu Á vật lộn với làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới

Huệ Anh-Thứ năm, ngày 15/04/2021 17:46 GMT+7

VTV.vn - Sự gia tăng các chủng virus mới, sự chậm trễ trong tốc độ tiêm chủng cùng động thái bất chấp mở cửa của các doanh nghiệp là nguyên nhân khiến dịch bùng phát trở lại.

NHẬT BẢN

Nhà hàng của đầu bếp sushi Mamoru Sugiyama đã từng gắng gượng vượt qua bao trận thiên tai, các vụ đánh bom và suy thoái kinh tế từ trong Thế chiến II. Thế nhưng, đối với người đàn ông sở hữu chuỗi nhà hàng 130 năm tuổi này, dịch COVID-19 vẫn là mối đe doạ lớn nhất đối với sự tồn tại của căn bếp.

Ông chia sẻ rằng thách thức lớn nhất mà chuỗi nhà hàng Sushi Ko đang phải đối mặt chính là sự vô định trong tương lai khi làn sóng lây nhiễm mới của COVID-19 không có dấu hiệu thoái trào. Các khoản trợ cấp của chính phủ cũng chỉ có giới hạn. Ông Sugiyama buộc phải dùng tới khoản tiền tiết kiệm của mình để duy trì hoạt động kinh doanh và trả lương cho nhân viên. Doanh thu đã giảm tới 70% kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Sự gia tăng các chủng virus mới, sự chậm trễ trong tốc độ tiêm chủng cùng động thái bất chấp mở cửa của các doanh nghiệp với mong muốn tìm kế sinh nhai chính là một trong những nguyên nhân khiến dịch bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia. Nhật Bản cũng nằm trong số đó.

Châu Á vật lộn với làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới - Ảnh 1.

Biến thể của virus SARS-CoV-2 có xu hướng lây lan mạnh tại Tokyo, Nhật Bản (Nguồn: Straits Times)

Theo Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản (NIID), khả năng lây lan của biến thể SARS-CoV-2 tại Nhật Bản cao gấp 1,32 lần so với chủng thông thường. Ông Takaji Wakita, Tổng Giám đốc Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia cảnh báo biến thể mới này đang lây lan mạnh chủ yếu ở vùng Kansai, với xu hướng lan dần sang vùng Thủ đô với tốc độ nhanh chưa từng có tiền lệ. 

Ông cho rằng các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm hiện nay có thể không đủ để ngăn chặn sự lây lan mạnh của biến thể, đồng thời kêu gọi giới chức Nhật Bản nhanh chóng áp đặt nghiêm các lệnh hạn chế nhằm kiểm soát dịch bệnh.

Hôm nay, chính quyền thành phố Matsuyama, miền Tây Nhật Bản, cũng vừa tuyên bố hủy lễ rước đuốc Olympic Tokyo do số ca mắc COVID-19 mới không hề có dấu hiệu suy giảm. Quyết định trên được đưa ra 100 ngày trước khi Thế vận hội Olympic Tokyo khai mạc.

Tháng trước, Chính phủ Nhật Bản cũng chính thức tuyên bố không cho phép khán giả là người nước ngoài nhập cảnh vào nước này theo dõi các sự kiện tại Olympic nhằm giảm thiểu sự lây lan của chủng biến thể mới. Các vận động viên và huấn luyện viên chuyên nghiệp nước ngoài cũng sẽ bị cách ly ngay sau khi đến Nhật Bản. Họ không được tự do đi lại bên ngoài, ngoại trừ tới địa điểm tập luyện.

HÀN QUỐC

Hàn Quốc cũng là một trong những quốc gia đứng trước nguy cơ xuất hiện làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần thứ 4 khi số ca mắc mới đã vượt ngưỡng 700 ca/ngày.

Nhiều tháng qua, việc Hàn Quốc liên tục ghi nhận những kỉ lục mới về số ca bệnh dù đã áp dụng nhiều biện pháp hạn chế khiến người dân nản lòng.

Cô sinh viên Lee Sun-young không phải là ngoại lệ.

"Tôi mệt mỏi với tất cả các lệnh hạn chế rồi, nhất là phải là đeo khẩu trang và không được du lịch nước ngoài. Thời tiết ấm lên làm gia tăng khả năng lây nhiễm. Tôi cũng lo chứ. Nhưng dường như tất cả mọi người, không chỉ riêng tôi đâu, đang bỏ qua các biện pháp phòng dịch".

Châu Á vật lộn với làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới - Ảnh 2.

Hàn Quốc đứng trước nguy cơ xuất hiện làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần thứ 4 (Nguồn: Straits Times)

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), hôm nay, nước này đã có thêm 731 ca mắc mới COVID-19, trong đó 714 ca lây nhiễm trong cộng đồng - mức cao nhất trong 3 tháng qua. Tình hình hiện nay đã ở mức báo động để Chính phủ Hàn Quốc cân nhắc nâng cấp độ giãn cách xã hội, song coi đây là "phương án cuối cùng" do lo ngại những thiệt hại lớn về kinh tế có thể xảy ra.

Quan chức y tế cấp cao Yoon Tae-ho cho biết ông sẽ xem xét điều chỉnh kế hoạch giãn cách, đồng thời hạn chế giờ làm việc tại Hàn Quốc để theo dõi chặt chẽ hơn tình hình dịch bệnh. "Có vẻ như mọi người đã mất cảnh giác. Mọi người có thể mệt mỏi, nhưng virus thì không. Chúng sẽ tiếp tục lan rộng".

MALAYSIA

Giới chức Malaysia cũng đang siết chặt lệnh kiểm soát đi lại trước tháng lễ Ramadan - thời điểm nhiều người dân sẽ tranh thủ đi du lịch hoặc trở về quê hương. Theo đó, các cá nhân vi phạm lệnh cấm sẽ phải chịu mức phạt lên đến 10.000 ringgit, tương đương khoảng 2.400 USD.

Châu Á vật lộn với làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới - Ảnh 3.

Malaysia đã ghi nhận thêm 9 ca mắc biến thể mới từ Nam Phi (Nguồn: Straits Times)

Chương trình "Mỗi chốt một cảnh sát" đang được triển khai rộng rãi tại Malaysia trong nỗ lực kiểm tra nghiêm ngặt hơn lịch trình đi lại của người dân tại tất cả các chốt nằm giữa các bang. Chỉ những người có giấy phép đi lại liên bang mới được cho qua. Chương trình này được kỳ vọng sẽ tạo ra lá chắn an toàn cho cộng đồng, qua đó giảm khả năng tội phạm hoành hành tại các khu vực chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Hồi đầu tháng này, quan chức hàng đầu Bộ Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah cũng tuyên bố nước này ghi nhận thêm 9 ca mắc biến thể mới từ Nam Phi trong số các ca lây nhiễm trong cộng đồng ghi nhận trong 3 tháng đầu năm 2021. Theo ông Abdullah, dường như 9 ca mắc biến thể mới có cùng nguồn lây. Điều này càng làm dấy lên lo ngại cho hệ thống y tế và chăm sóc sức khoẻ tại quốc gia này.

THÁI LAN

Thái Lan đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần thứ 3. Tính đến ngày 12/4, Thái Lan ghi nhận thêm 985 ca mắc mới – con số cao nhất nước này từng ghi nhận kể từ khi đại dịch bùng phát. Theo Phó cục trưởng Cục Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan Sophon Iamsirithaworn, mốc kỷ lục trên phần lớn có liên quan đến các cơ sở giải trí đêm trên khắp cả nước. "Làn sóng thứ ba có sự khác biệt lớn. Nguyên nhân khởi phát đến từ thế hệ trẻ có lối sống năng động" - Tiến sĩ Tawee Chotpitayasunondh, chuyên gia tư vấn cấp cao của Bộ Y tế cho biết.

Châu Á vật lộn với làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới - Ảnh 4.

Người dân Thái Lan đi tiêm chủng (Nguồn: Straits Times)

Hiện tình hình dịch COVID-19 của Thái Lan vô cùng đáng lo ngại. Số các ca lây nhiễm mới được phát hiện có liên quan tới 140 quán bar tại 15 tỉnh trên khắp Thái Lan. Trong đó, Bangkok đứng đầu với 85 cơ sở, tiếp đến là tỉnh Chon Buri, Prachuap Khiri Khan, Pathum Thani và Chiang Mai.

Việc Thái Lan đón kỳ nghỉ lễ Songkran càng khiến giới chức nước này lo ngại khi hàng triệu người dân di chuyển mạnh trên khắp đất nước để đoàn tụ cùng gia đình. Tổng cục trưởng cục Kiểm soát Dịch bệnh - Tiến sĩ Opas Karnkawinpong cho biết chỉ khi có các số liệu cụ thể sau kỳ nghỉ lễ Songkran, diễn biến phức tạp của đợt bùng phát mới nhất mới có thể được đánh giá chính xác.

Mặc dù vậy, Thái Lan vẫn đang nỗ lực vực dậy ngành du lịch vốn đang chịu thiệt hại nặng nề do dịch bệnh. Chính phủ nước này cam kết tiêm phòng cho hầu hết 400.000 dân tại đảo Phuket, bao gồm cả người nước ngoài đang cư trú, như một phần của kế hoạch mở cửa trở lại địa điểm du lịch hút khách. "Nếu chúng tôi có thể xây dựng lá chắn miễn dịch cho 70%-80% dân số trên đảo, Phuket có thể đón du khách nước ngoài đã được tiêm phòng mà không cần kiểm dịch" - Phó Thống đốc Phuket Piyapong Choowong chia sẻ.

ẤN ĐỘ

Lễ hội Kumbh Mela, sự kiện lớn nhất của người Hindu tại Ấn Độ với hàng trăm nghìn người không đeo khẩu trang tham gia, đang được cho là khởi nguồn đẩy nhanh tốc độ lây lan của dịch COVID-19. Ước tính trong thời gian diễn ra lễ hội, sẽ có hàng chục triệu người hành hương, người mộ đạo và du khách tắm mình trên sông Hằng linh thiêng.

Châu Á vật lộn với làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới - Ảnh 5.

Làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần thứ hai có thể đe dọa triển vọng tăng trưởng 12,5% của Ấn Độ (Nguồn: Straits Times)

Điều mâu thuẫn là, trong khi giới chức Ấn Độ liên tục cảnh báo áp lệnh phong toả và yêu cầu người dân ở trong nhà để đảm bảo an toàn, các tụ điểm vui chơi mùa lễ hội vẫn diễn ra. Các cuộc biểu tình bầu cử lớn tại năm bang Ấn Độ cũng là một trong những nguyên nhân khiến virus SARS-CoV-2 lây lan mạnh hơn.

Hiện Ấn Độ đã vượt Brazil, trở thành nước có số ca mắc COVID-19 cao thứ hai thế giới sau khi nước này ghi nhận số ca mắc theo ngày cao kỷ lục: gần 170.000 ca. Theo các chuyên gia, làn sóng lây nhiễm lần thứ hai này có thể đe dọa triển vọng tăng trưởng 12,5% của Ấn Độ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

covid-19

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước