Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) tại Budapest, Hungary, ngày 7/11 (Ảnh: AP)
Trong cuộc họp, các lãnh đạo châu Âu cho biết họ nhất trí về nhu cầu phải chịu trách nhiệm nhiều hơn cho an ninh của chính mình và ít phụ thuộc hơn vào Mỹ.
Việc tái đắc cử của ông Trump là một thách thức lớn đối với châu Âu, mở ra một thời kỳ bất ổn hơn vào thời điểm châu lục này đang phải vật lộn để tìm kiếm sự thống nhất, trong khi hai cường quốc lớn nhất của châu Âu là Đức vừa mới sụp đổ và Pháp đang suy yếu.
Mối quan hệ của ông Trump với nhiều đồng cấp châu Âu của ông đã không ổn định trong phần lớn nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Kể từ đó, ông Trump đã tuyên bố sẽ không bảo vệ các đồng minh châu Âu trừ khi họ đáp ứng các mục tiêu của NATO về chi tiêu quốc phòng, bày tỏ sự hoài nghi về quy mô hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine và đề xuất thuế quan đối với hàng nhập khẩu sẽ gây tổn hại cho các nhà sản xuất châu Âu.
"Đã có sự nhất trí rằng châu Âu nên chịu trách nhiệm nhiều hơn cho hòa bình và an ninh của mình. Nói thẳng ra, chúng ta không thể chờ đợi Mỹ bảo vệ chúng ta" - Thủ tướng Hungary Viktor Orban phát biểu sau khi hơn 40 nhà lãnh đạo châu Âu họp tại Budapest tại hội nghị thượng đỉnh của Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC).
EPC được thành lập sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine vào năm 2022 nhằm liên kết EU và các nước láng giềng như Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và chính Ukraine.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban phát biểu khai mạc phiên họp toàn thể ở Budapest, ngày 7/11 (Ảnh: AP)
Thủ tướng Orban là một trong số ít đồng minh thân cận của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump trong số các nhà lãnh đạo châu Âu và đã hoan nghênh việc ông Trump tái đắc cử.
Các nhà lãnh đạo khác cũng có thông điệp tương tự về việc tăng cường quốc phòng châu Âu.
Trong một dấu hiệu cho thấy những thách thức lớn mà châu Âu phải đối mặt sau chiến thắng của ông Trump, các nhà lãnh đạo châu Âu khác không đồng tình với Thủ tướng Orban về việc hỗ trợ Ukraine. Nhà lãnh đạo Hungary đã nói rằng châu Âu phải xem xét lại sự hỗ trợ đó, trong khi những người khác muốn duy trì điều này.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen là một trong số nhiều người nhấn mạnh tầm quan trọng của việc châu Âu và Mỹ tiếp tục ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến với Nga.
Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết vẫn còn quá sớm để dự đoán ông Trump sẽ thực hiện chính sách như thế nào, nhưng một nước Mỹ mạnh mẽ sẽ tốt cho châu Âu và ngược lại.
Những lãnh đạo khác đã thẳng thắn bày tỏ mối quan ngại của họ về ông Trump. Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo cho biết ông quan ngại về viễn cảnh chiến tranh thương mại: "Điều đó không được phép xảy ra. Bây giờ chúng ta hãy cố gắng tác động đến chính sách tương lai của Mỹ và ông Trump để ông ấy hiểu được những rủi ro liên quan".
Thêm vào sự bất ổn bao trùm cuộc họp ở Budapest, Chính phủ ba đảng của Đức đã tan rã vào tối 6/11 khi Thủ tướng Olaf Scholz sa thải Bộ trưởng Bộ Tài chính Liên bang Đức và mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử.
"Một điều chắc chắn là châu Âu không mạnh nếu không có một nước Đức mạnh" - Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola tuyên bố.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!