Mỗi nước châu Âu đều đang siết nhập cư trái phép theo cách riêng, không phải vì số lượng người nhập cư trái phép tăng lên mà do quan điểm của phe cực hữu bài ngoại đang ngày càng có thêm sức nặng.
10 người Bangladesh và 6 người Ai Cập lọt được vùng biển Italy đã bị lực lượng tuần duyên nước này tạm giữ ngay trên biển và đưa thẳng ra bên ngoài Liên minh châu Âu phân loại. Kế hoạch thuê Albania phân loại người nhập cư trái phép bước sang giai đoạn thực thi. Tàu quân sự chở nhóm 16 người đã cập cảng Shengjin của Albania vào sáng 16/10.
Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tuyên bố: "Đây là một cách làm mới, táo bạo, chưa từng có, nhưng phản ánh hoàn hảo tinh thần châu Âu. Tôi cảm ơn Thủ tướng Edi Rama và Chính phủ Albania đã tin tưởng vào hiệu quả của sáng kiến này".
Bất cứ người nào nhập cư trái phép vào Italy sẽ được đưa sang 2 trung tâm xử lý di cư tạm mà Albania đã chuẩn bị sẵn, toàn bộ chi phí xây dựng và vận hành do phía Italy chi trả. Nhân viên di trú Italy sẽ tới đây làm việc, phân loại người nhập cư bên ngoài lãnh thổ Schengen, ai đủ điều kiện tị nạn sẽ bay sang Italy hoàn toàn hợp pháp, người nào không đủ điều kiện sẽ bị hồi hương thẳng từ Albana. Mục đích là không để người nhập cư trái phép đặt chân vào lãnh thổ Italy.
Còn tại Đức, quan điểm cũng đã thay đổi cơ bản. Đức đã tái lập kiểm soát tại một số cửa khẩu biên giới trên bộ. Và mới đây Berlin đã thuê máy bay trục xuất 8 người Afghanistan - được xác định là tội phạm - về lại thủ đô Kabul.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu: "Chúng tôi đã tuyên bố trục xuất tội phạm về Afghanistan. Chúng tôi đã chuẩn bị một cách cẩn thận mà không nói quá nhiều, bởi vì một dự án như vậy chỉ có thể thành công nếu chúng tôi nỗ lực, thận trọng và kín đáo. Hôm nay, việc đó đã được thực hiện".
Tình hình hiện tại là các nước châu Âu đang siết chặt thêm chính sách tiếp nhận nhập cư, nhưng mỗi nước thắt chặt quy định theo một cách khác nhau. Được biết, lượng người nhập cư đã giảm gần 40% trong 9 tháng đầu năm nay. Điều này cũng là dễ hiểu, lý do là bởi áp lực của quan điểm cực hữu đang ngày càng có sức nặng trong chính trị mỗi nước. Trong Hội nghị thượng đỉnh châu Âu sẽ bắt đầu vào ngày 17/10, Tổng thống và Thủ tướng các nước thành viên sẽ phải thảo luận một đường hướng chung là siết chặt nhưng trên cơ sở nhất quán, cùng nhau.
Đức là quốc gia có chính sách tiếp nhận tị nạn rất cởi mở. Chính phủ của cựu Thủ tướng Angela Merkel đã tiếp nhận hơn 1 triệu người tị nạn từ Syria và Iraq hồi năm 2015.
Tuy nhiên, sau 10 năm, quan điểm về người tị nạn ở Đức đã thay đổi đáng kể. Luật nhập cư có hiệu lực từ cuối năm 2023 đã đơn giản hóa thủ tục nhập cư hợp pháp, đồng thời đặt ra thêm rất nhiều điều kiện đối với người xin tị nạn.
Việc Đức bí mật đàm phán với Afghanistan để trục xuất người Afghanistan trốn vào Đức đã gây sốc. Nguyên nhân là bởi Đức không công nhận chính quyền Taliban, và theo thông lệ thì không được trục xuất người xin tị nạn về nơi mà người đó có thể bị truy bức. Tuy nhiên, điều này đã vừa xảy ra.
Trong khi đó, việc Chính phủ cực hữu Italy thuê đất ở nước ngoài để phân loại người xin tị nạn đã từng bị chỉ trích, nhưng giờ đây lại đang được quan tâm.
Nhiều quốc gia châu Âu dưới sự thúc đẩy các đảng cánh hữu cũng muốn thiết lập các trung tâm giam giữ người di cư bất hợp pháp tại nước khác như cách mà Italy tiến hành từ ngày 16/10 và nước Anh trước đây cũng có ý định tương tự.
Hội nghị thượng đỉnh châu Âu vào ngày 17/10 có thể sẽ xem xét cách làm này. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã từng nhấn mạnh chính sách di cư của Liên minh châu Âu chỉ có thể bền vững nếu những người không có quyền ở lại châu Âu được trả về quê quán".
Sau khoảng gần 10 năm, khủng hoảng di cư vẫn là nỗi ám ảnh với châu Âu, đặc biệt là trong bối cảnh xung đột, bất ổn chính trị và các tác động từ biến đổi khí hậu đang làm gia tăng lượng người di cư tìm đường đến châu Âu.
Cho đến hiện tại, châu Âu vẫn đang còn những bất đồng nhất định về chính sách, khó khăn trong lựa chọn giữa một bên là trách nhiệm nhân đạo quốc tế và một bên là trách nhiệm bảo đảm ổn định nội khối. EU sẽ cần sớm thống nhất ý chí, nguồn lực và chính sách chung, thay vì để xảy ra tình trạng "mạnh ai nấy làm" như hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!