Các thiết bị liên lạc này được các thành viên Hezbollah sử dụng. Nhiều người bị chấn thương nghiêm trọng ở mắt và theo các bác sĩ thì cần có thời gian điều trị dài và đòi hỏi kỹ thuật cao.
Bác sĩ nhãn khoa Elias Jaradeh đã làm việc suốt ngày đêm trong cuộc chạy đua với thời gian để cứu thị lực cho các nạn nhân sau hàng loạt vụ nổ thiết bị điện tử ở Lebanon. Do nguồn phát nổ là máy bộ đàm và máy nhắn tin nên nhiều người bị thương khi đang nhìn vào thiết bị của họ thì chúng phát nổ ở khoảng cách rất gần với mặt và hậu quả là bị tổn thương vĩnh viễn hoặc hỏng mắt, không thể cấy ghép giác mạc.
Bác sĩ Elias Jaradeh chia sẻ: "Chúng tôi tiếp nhận rất nhiều ca tổn thương thị giác, hầu hết là thanh niên và có cả trẻ em. Có nhiều loại tổn thương thị giác khác nhau. Nhưng chỗ chúng tôi là bệnh viện chuyên về nhãn khoa, do đó những ca nặng nhất được chuyển hết về đây".
Bác sĩ đang phẫu thuật mắt cho một người đàn ông bị thương do vụ nổ thiết bị liên lạc tại một bệnh viện ở Beirut, ngày 20/9/2024 (Ảnh: AFP)
Bác sĩ Jaradeh và các đồng nghiệp chỉ được ngủ vài tiếng mỗi ngày vì số lượng bệnh nhân quá lớn. Trung bình cứ 2 giờ, có khoảng 150 - 200 bệnh nhân nhập viện với các tổn thương tương tự nhau ở mắt, mặt, ngón tay và bụng.
Tiến sĩ Eveline Hitti (Trưởng Khoa Cấp cứu, Trung tâm Y tế Đại học Hoa Kỳ tại Beirut) cho biết: "Kiểu tấn công này được thiết kế hoàn hảo không phải để giết người ngay lập tức mà là để làm bị thương nghiêm trọng. Các bệnh nhân cho biết là họ thấy máy nhắn tin reo. Sau đó là một thông báo lỗi. Thường thì họ chỉ dùng một tay để mở tin nhắn nhưng thông báo lỗi dường như đã yêu cầu họ nhấn vào một cái gì đó. Vì vậy, họ buộc phải dùng cả hai tay và phải đưa lên gần mặt để đọc kỹ. Khi họ đang đọc tin nhắn thì nó phát nổ. Tôi nghĩ rằng đây sẽ là thách thức lớn nhất trong tương lai đối với những bệnh nhân này, nhất là giai đoạn hậu phẫu. Họ sẽ không trở lại cuộc sống bình thường được nữa".
Theo các bác sĩ, so sánh thảm họa này với vụ nổ ở cảng Beirut năm 2020, giờ đây, các bệnh viện phải đối mặt với tình trạng quá tải lâu hơn. Nhiều bệnh nhân đang điều trị tim, đột quỵ hay nhiễm trùng đều phải tạm hoãn để các nhân viên y tế tập trung cấp cứu những người bị thương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!