Theo Hiến pháp Đức, trong trường hợp này, Quốc hội Đức cũng sẽ phải giải tán để tổ chức bầu cử sớm.
Chính phủ trung tả của Thủ tướng Olaf Scholz chỉ giành được chưa tới 1/4 phiếu tín nhiệm trong cuộc bỏ phiếu vào 16/12, trong khi số phiếu bất tín nhiệm nhiều hơn quá bán. Chính phủ Đức sụp đổ. Theo Hiến pháp, ông Olaf Scholz sẽ phải đề nghị Tổng thống liên bang giải tán Quốc hội để tổ chức bầu cử sớm.
Tổng thống Đức sẽ có tối đa 21 ngày để ra quyết định. Khi Quốc hội bị giải tán, việc bầu cử trước hạn sẽ phải được tổ chức trong vòng 60 ngày tiếp theo, dự kiến vào ngày 23/2/2025.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz bỏ phiếu tín nhiệm trong phiên họp toàn thể tại Quốc hội Đức (Bundestag), ở Berlin, Đức, ngày 16/12 (Ảnh: AP)
Chính phủ Đức đã suy yếu và mất đa số hậu thuẫn trong Quốc hội kể từ khi một đảng rút khỏi liên minh cầm quyền vào đầu tháng 11. Bầu cử trước hạn một Quốc hội mới là cách tốt nhất để nhanh chóng thoát khỏi tình trạng Chính phủ Đức không thể điều hành đất nước do đa số đề xuất của Chính phủ đều bị Quốc hội bác bỏ.
Khủng hoảng chính trị xảy ra hầu như đồng thời tại Đức và Pháp - hai quốc gia đầu tàu, hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu, làm cho tình hình thêm ảm đạm, vào lúc tăng trưởng của hai nước này cũng như toàn Liên minh châu Âu vẫn ở mức rất thấp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!