Chính phủ Mỹ có thể phải đóng cửa từ Chủ nhật tuần này và những hệ lụy

Chuyển động 24h-Thứ năm, ngày 28/09/2023 11:02 GMT+7

VTV.vn - Chỉ còn ba ngày nữa là tới thời hạn thông qua ngân sách cho chính phủ. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ chưa tìm được tiếng nói đồng thuận.

Nguyên nhân khiến Chính phủ Mỹ có nguy cơ đóng cửa

Ngày 1/10 là thời điểm Chính phủ Mỹ sẽ đóng cửa nếu Quốc hội không thông qua ngân sách hoạt động cho chính phủ. Điều đó có nghĩa các cơ quan cung cấp dịch vụ công bị hạn chế hoạt động, dẫn tới ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Mỹ. Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy các nghị sỹ của hai chính đảng tại Quốc hội Mỹ chịu thỏa hiệp với nhau để thông qua ngân sách cho chính phủ, kịp thời hạn nửa đêm thứ bảy tuần này.

Các phương án giải quyết tình thế đối đầu này rất ít. Hiện mới chỉ có Thượng viện thông qua kế hoạch tạm thời để gia hạn thời gian hoạt động cho các cơ quan chính phủ, nhưng vẫn còn cần Hạ viện thông qua, mà việc này không dễ, vì Hạ viện do đảng đối lập, tức là đảng Cộng hòa nắm giữ.

Ông Kevin Mccarthy - Chủ tịch Hạ viện Mỹ: "Chưa đến thời hạn và chúng tôi vẫn đang nỗ lực. Chúng tôi làm việc đến đêm. Chúng tôi sẽ hoàn thành việc này. Không ai được lợi gì nếu chính phủ đóng cửa".

Chủ tịch Hạ viện Mỹ thuộc đảng Cộng hòa - đã có những tuyên bố như vậy, song yêu cầu chính phủ phải có các biện pháp siết chặt biên giới trước người di cư thì mới ủng hộ kế hoạch tránh cho chính phủ phải đóng cửa lần thứ tư chỉ trong vòng 1 thập kỷ qua. Thế nhưng yêu cầu của Chủ tịch Hạ viện về siết chặt biên giới lại không được phía đảng Dân chủ đồng ý, nên cuộc đấu tại Quốc hội Mỹ xoay quanh ngân sách cho chính phủ vẫn khó có hồi kết.

Chính phủ Mỹ có thể phải đóng cửa từ Chủ nhật tuần này và những hệ lụy - Ảnh 1.

Thời hạn nửa đêm thứ bảy chỉ còn tính bằng ngày mà Quốc hội Mỹ vẫn chia rẽ rõ rệt. Cái khó của lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ là dù có muốn nỗ lực để ngân sách cho chính phủ được thông qua, thì các nghị sỹ thuộc đảng của họ lại yêu cầu giảm ngân sách cho chính phủ xuống mức thấp hơn mức mà họ đã đồng ý với Tổng thống Biden.

Mâu thuẫn như vậy là không chỉ giữa phe Cộng hòa với phe Dân chủ, mà còn trong nội bộ các nghị sỹ Cộng hòa và cả giữa Hạ viện và Thượng viện.

Bà Lisa Mascaro - Hãng thông tấn Associated Press, Mỹ: "Thượng viện không hề muốn cắt giảm sâu ngân sách. Thực tế là chính các thượng nghị sỹ Cộng hòa đã cùng hợp tác với phía Dân chủ để thông qua ngân sách ở mức cao hơn. Vậy nên, Hạ viện với Thượng viện lại phải làm thế nào tìm ra một mức hai bên cùng đồng ý và thỏa thuận được với nhau. Điều đó có vẻ rất khó với mấy ngày còn lại. Thế nên, chính phủ đang chuẩn bị cho việc phải đóng cửa ngay vào cuối tuần này".

Tổng thống Mỹ Joe Biden: "Nếu chính phủ đóng cửa thì các thành viên Quốc hội, thành viên quân đội Mỹ sẽ phải tiếp tục làm việc mà không được trả lương. Chính phủ đóng cửa có thể ảnh hưởng đến mọi thứ, từ an toàn vệ sinh thực phẩm đến nghiên cứu ung thư, đến chương trình chăm sóc trẻ em gia đình thu nhập thấp. Cấp ngân sách cho chính phủ nằm trong các trách nhiệm cơ bản của Quốc hội".

Chính phủ Mỹ đóng cửa có nghĩa là gì?

Nếu Chính phủ Mỹ sẽ phải đóng cửa thì có tới 438 cơ quan chính phủ sẽ bị ảnh hưởng, hàng trăm nghìn nhân viên liên bang sẽ phải nghỉ phép không lương, hàng loạt dịch vụ công bị gián đoạn. Việc đóng cửa cũng sẽ khiến các dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ, bao gồm báo cáo việc làm, lạm phát, chi tiêu tiêu dùng - vốn đặc biệt quan trọng với các nhà hoạch định chính sách và đầu tư - sẽ bị đình chỉ công bố vô thời hạn.

Chính phủ Mỹ có thể phải đóng cửa từ Chủ nhật tuần này và những hệ lụy - Ảnh 2.

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's cảnh báo, việc Chính phủ Mỹ đóng cửa sẽ gây tổn hại đến xếp hạng tín nhiệm của nước này. Moody's cho rằng, đóng cửa chính phủ sẽ là bằng chứng cho thấy sự phân cực chính trị đang làm suy yếu khả năng hoạch định chính sách tài khóa của Mỹ.

Hiện Moodys xếp hạng tín nhiệm Chính phủ Mỹ ở mức AAA với triển vọng ổn định, đây cũng là mức tín nhiệm cao nhất. Tuy nhiên, đây là công ty duy nhất trong nhóm ba công ty xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới, đánh giá tín nhiệm Chính phủ Mỹ ở mức cao nhất này. Hai công ty còn lại là Fitch và Standard & Poor's đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm Chính phủ Mỹ từ cao nhất xuống mức AA+.

Việc đóng cửa cũng ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động giáo dục. Theo kế hoạch chi tiết năm 2021 của Bộ Giáo dục Mỹ khi chính phủ liên bang đóng cửa một phần. Trong tuần đầu tiên, khoảng 90% nhân viên của Bộ Giáo dục sẽ phải nghỉ việc tạm thời. Nếu việc đóng cửa chính phủ kéo dài hơn 1 tuần, việc duy trì hoạt động của nhiều trường học dựa vào phúc lợi liên bang sẽ bị gián đoạn.

Người Mỹ đầu tư vào USD đề phòng chính phủ đóng cửa

Trước khả năng Chính phủ Mỹ đóng cửa thì người Mỹ có thể làm gì để giảm thiệt hại?. Trong bối cảnh thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ đang sụt giảm do quan ngại chính phủ đóng cửa và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết tâm giữ lãi suất ở mức cao và trong một thời gian dài hơn, thì nơi trú ẩn an toàn nhất hiện nay được cho là đồng USD. Điều này được củng cố khi giá nhiều đồng tiền chủ chốt trên thế giới như Yen Nhật và Franc Thụy Sĩ giảm hơn 2%. Vàng cũng đang trượt dốc. Chính vì vậy, các nhà đầu tư Mỹ đang tìm đến đồng tiền USD để dự trữ. 'Tiền lãi từ đồng USD cao mà lại còn là nơi trú ẩn tốt, một sự kết hợp mạnh hiếm thấy' là nhận định của Andrew Ticehurst, chuyên gia của công ty tài chính Nomura.

Chính phủ Mỹ có thể phải đóng cửa từ Chủ nhật tuần này và những hệ lụy - Ảnh 3.

Những câu chuyện đáng nhớ khi Chính phủ Mỹ đóng cửa

Trong 5 thập kỷ trở lại đây, nước Mỹ đã có tới 21 lần chính phủ đóng cửa. Lần đóng cửa chính phủ đầu tiên vào năm 1976 dưới thời Tổng thống Gerald Ford. Đợt đóng cửa này kéo dài 11 ngày, xảy ra sau khi Tổng thống phủ quyết dự luật của Quốc hội liên quan đến Bộ Lao động-Y tế-Giáo dục-Phúc lợi.

Tổng thống Ronald Reagan là Tổng thống Mỹ có nhiều lần bị đóng cửa chính phủ nhất với 8 lần, trong hai nhiệm kỳ kéo dài từ năm 1981 đến năm 1989. Dù số lượng nhiều, nhưng đáng chú ý là có những lần, việc đóng cửa chỉ kéo dài vài tiếng đồng hồ. Tờ Bưu điện Washington bình luận, bắt đầu từ năm 1995, việc đóng cửa mới kéo dài hơn và gây xáo trộn nhiều hơn.

Không thể không nhắc đến lần đóng cửa chính phủ liên bang gần đây nhất, kéo dài tới 34 ngày, từ tháng 12/2018 đến tháng 1/2019… dưới thời Tổng thống Donald Trump. Đây cũng là lần đóng cửa chính phủ dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Việc đóng cửa xảy ra khi ông Trump yêu cầu Quốc hội duyệt chi 5,7 tỷ USD cho bức tường dọc biên giới Mỹ - Mexico nhưng bị các nhà lập pháp đảng Dân chủ phản đối mạnh mẽ. Chính phủ Mỹ chỉ có ngân sách hoạt động trở lại sau khi các bên đạt được đồng thuận. Quốc hội Mỹ sau đó thông qua gói chi 1,3 tỷ USD cho bức tường biên giới, ít hơn nhiều so với con số 5,7 tỉ USD mà ông Trump đề xuất.

Hiện chính phủ của Tổng thống Biden đang nỗ lực kêu gọi các nghị sỹ Cộng hòa thu hẹp bất đồng. Vì các nghị sỹ đảng Cộng hòa vẫn cương quyết giữ quan điểm cứng rắn yêu cầu cắt giảm sâu ngân sách sẽ cấp cho chính phủ, đi ngược lại mong muốn của không chỉ phe Dân chủ mà cả chính quan điểm của lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Quốc hội. Đây chính là nút thắt hiện nay, nếu không gỡ được, theo hãng thông tấn AP, nguy cơ Chính phủ Mỹ phải đóng cửa từ chủ nhật tuần có thể sẽ xảy ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước