Chương mới trong quan hệ Mỹ - châu Phi

Thế giới hôm nay-Thứ năm, ngày 30/03/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã cho thấy sự quan tâm trở lại đối với châu Phi sau một thời gian dài gần như xếp cuối trong các ưu tiên đối ngoại.

Phó Tổng thống Mỹ Harris đang công du dài ngày đến ba quốc gia châu Phi gồm Ghana, Tanzania và Zambia. Chuyến công du được đánh giá là bước tiếp theo nhằm hiện thực hóa chiến lược tăng cường quan hệ với châu Phi của chính quyền Tổng thống Biden, vốn được tăng tốc hồi tháng 12/2022 với Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi.

Ghana - điểm đến đầu tiên trong chuyến công du châu Phi kéo dài một tuần của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Phát biểu ngay khi đặt chân đến Sân bay quốc tế Kotoka, Phó Tổng thống Kamala Harris đã không quên nhấn mạnh tầm quan trọng của châu Phi đối với thế giới.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris nói: "Tôi rất vui mừng về tương lai của châu Phi. Tôi rất vui mừng được đề cập ảnh hưởng của châu Phi với phần còn lại của thế giới, trong đó có Mỹ. Khi tôi nhìn thấy những gì đang diễn ra trên lục địa này, nơi mà độ tuổi trung bình của người dân là 19, điều đó cho chúng ta thấy những cơ hội của sự phát triển và đổi mới. Tôi đã nhìn thấy những cơ hội tuyệt vời không chỉ cho người dân châu Phi mà còn cho cả thế giới".

Xuất hiện tại Ghana với tư cách là nữ Phó Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ thăm châu Phi, bà Kamala Harris đã cho thấy lời nói của bà không chỉ là những lời hứa suông. 139 triệu USD là khoản viện trợ song phương của Mỹ cho Ghana vào năm sau nhằm thúc đẩy sáng kiến trong các lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, văn hóa và y tế.

Chương mới trong quan hệ Mỹ - châu Phi - Ảnh 1.

Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo, bà Kamala Harris đã không quên nhấn mạnh mong muốn tăng cường quan hệ với châu Phi trong bối cảnh cuộc cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực này đang diễn ra rất quyết liệt.

Bà Kamala Harris: "Mối quan hệ giữa Mỹ với châu Phi và các nhà lãnh đạo châu lục này là rất quan trọng. Chúng ta có cơ sở lịch sử cho mối quan hệ này. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, quan hệ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, nhưng chúng ta vẫn có cơ hội để nhìn về tương lai phía trước".

Về phần mình, Tổng thống Nana Akufo-Addo đã trấn an Mỹ rằng, Ghana mong muốn làm bạn với các nước, trong đó có Mỹ. "Tất cả các nước trên thế giới đều là bạn của Ghana. Chúng ta có quan hệ với tất cả các nước, ở các mức độ khác nhau. Mối quan hệ của chúng ta với Mỹ là mối quan hệ đã được hun đúc suốt mấy chục năm qua, mối quan hệ ấy đã được hình thành ngay từ khi Ghana giành được độc lập".

Sau Ghana, theo kế hoạch, Phó Tổng thống Kamala Harris đến thăm Tanzania và Zambia. Chuyến công du châu Phi của Phó Tổng thống Harris diễn ra sau một loạt chuyến thăm khu vực này của các quan chức Mỹ thời gian qua, trong bối cảnh Washington đang muốn tìm cách cân bằng với ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng dự kiến đến thăm lục địa này vào cuối năm nay. Tổng thống Joe Biden cho thấy ông đang muốn sửa chữa sai lầm quá khứ - đó là lãng quên châu Phi.

Chương mới trong quan hệ Mỹ - châu Phi - Ảnh 2.

Tiềm năng của châu Phi đối với Mỹ

Bên cạnh các sáng kiến đối với Mỹ Latin và Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, chiến lược châu Phi của Mỹ được đưa ra vào thời điểm Washington đang nỗ lực cải thiện các mối quan hệ của Mỹ trên toàn cầu. Nó cũng dựa trên tầm quan trọng của châu Phi về dân số, thương mại, quyền biểu quyết tại các tổ chức quốc tế. Đồng thời, chính sách của Washington với châu Phi cũng để cạnh tranh với Trung Quốc, hay Nga.

Tại châu Phi, Phó Tổng thống Harris vừa phát động sáng kiến toàn cầu về trao quyền kinh tế cho phụ nữ với tổng trị giá hơn 1 tỷ USD. Các dự án thành phần trong sáng kiến này trị giá từ vài chục đến hang trăm triệu USD đều do các doanh nghiệp công nghệ và ngân hàng, y tế, nông nghiệp, các trường đại học của Mỹ phối hợp thực hiện với các đối tác châu Phi, tức là thực hiện theo hình thức đối tác công tư.

Một quỹ dành cho liên minh doanh nhân châu Phi cũng được công bố trị giá 500 triệu USD để hỗ trợ 100 nghìn doanh nhân trẻ châu Phi, trong đó có 50 nghìn doanh nghiệp nữ để tạo ra một thế hệ kinh doanh tại châu Phi trong nhiều năm tới.

Châu Phi - khu vực quan trọng trong cán cân quyền lực toàn cầu

Với tiềm năng, lợi thế trên nhiều lĩnh vực, kinh tế trên đà phát triển mạnh, châu Phi được coi là khu vực quan trọng trong cán cân quyền lực toàn cầu. Do vậy, khá dễ hiểu khi đây là nơi diễn ra sự cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt giữa các cường quốc trong thế kỷ 21.

Một loạt động thái xích lại gần châu Phi của các cường quốc trên thế giới đang cho thấy sức hút của lục địa này ngày càng lớn trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu gia tăng, tạo nên những dịch chuyển chưa từng có trong cục diện quan hệ quốc tế.

Chương mới trong quan hệ Mỹ - châu Phi - Ảnh 3.

Trong bối cảnh bị phương Tây cô lập liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine, Nga càng mở rộng sự hiện diện ở châu Phi, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự và kinh tế. Nga đã trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của châu Phi với 35% thị phần.

Nhằm củng cố quan hệ, vào tháng 7 năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi tại St. Petersburg. Trước đó, tại Hội nghị Nghị viện Quốc tế Nga - châu Phi, chỉ một tuần ngay trước chuyến đi của bà Harris, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố xóa khoản nợ lên tới 20 tỉ USD cho các quốc gia châu Phi. Mới đây, Nga cũng tuyên bố sẽ cung cấp miễn phí hàng trăm nghìn tấn phân bón giúp các quốc gia châu Phi phát triển nông nghiệp. Trong năm ngoái, kim ngạch thương mại song phương giữa Nga và các nước châu Phi đạt gần 18 tỷ USD.

Trung Quốc

Trong khi các cường quốc đối thủ còn đang bộn bề với những mối quan tâm khác ngoài châu Phi, Trung Quốc đã củng cố vị thế và gia tăng vai trò ảnh hưởng ở lục địa này theo cách của mình.

Kể từ năm 2010 đến nay, Trung Quốc giữ vững vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi, đạt hơn 254 tỉ USD vào năm 2021, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc - châu Phi gấp 4 lần giữa Mỹ - châu Phi.

Ngoài ra, quốc gia này còn dẫn đầu các dự án cơ sở hạ tầng sâu rộng gồm đường ống dẫn dầu, đường bộ, đường sắt, sân bay, cảng biển… và mở rộng hoạt động viễn thông ở khu vực. Hiện có hơn 50 quốc gia châu Phi là thành viên hoặc là đối tác của Sáng kiến "Vành đai và con đường".

Chương mới trong quan hệ Mỹ - châu Phi - Ảnh 4.

Châu Âu

Nếu Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng của mình trên khắp châu Phi thông qua mức độ đầu tư cơ sở hạ tầng, thì EU đang tìm cách xây dựng mối quan hệ chính trị và kinh tế rộng lớn dựa trên thương mại, đầu tư, viện trợ và hỗ trợ kỹ thuật để đổi lấy việc các quốc gia châu Phi làm nhiều hơn để kiểm soát tình trạng di cư.

Đáng chú ý là khoản đầu tư trị giá hơn 150 tỷ euro vào châu Phi của Ủy ban châu Âu, trong khuôn khổ dự án chiến lược "Cửa ngõ toàn cầu". Kế hoạch này của EU dự định là câu trả lời của khối đối với sáng kiến "Vành đai và con đường" của Trung Quốc.

Mỹ

Đối với Mỹ, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi hồi cuối năm ngoái đánh dấu sự trở lại khu vực này của Mỹ với các chính sách mới, trong đó nổi bật là tuyên bố cung cấp 55 tỷ USD viện trợ cho các nước châu Phi trong 3 năm tới, phân bổ 2,5 tỷ USD nhằm đảm bảo an ninh lương thực và nửa tỷ USD giúp châu Phi đối mặt với biến đổi khí hậu và chuyển sang năng lượng sạch. Tổng thống Biden cũng cam kết sẽ ký một biên bản ghi nhớ lịch sử về thương mại tự do với châu Phi và đề cao vai trò của châu lục tại các diễn đàn quốc tế.

Dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã cho thấy sự quan tâm trở lại đối với châu Phi sau một thời gian dài lục địa này gần như được xếp ở vị trí cuối cùng trong các ưu tiên đối ngoại của Washington. Động thái này thể hiện quyết tâm bắt kịp Trung Quốc và Nga trên bàn cờ chiến lược khu vực của Mỹ.

Trước cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt của các cường quốc ở châu Phi, lục địa này đang tỏ ra thận trọng, bởi cạnh tranh chiến lược chính là thời cơ để khu vực đói nghèo này bứt phá vươn lên, nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức. Việc lấy kinh tế làm mũi nhọn trong triển khai chiến lược cạnh tranh ảnh hưởng sẽ tạo cơ hội để các quốc gia tại châu lục này tranh thủ các nguồn lực bên ngoài phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

Mỹ - châu Phi

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước