Giáo sư Wang Linfa tại Chương trình bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Trường Y khoa Duke thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho biết, một đại dịch mới có thể bùng phát khi virus lây truyền từ người trở lại động vật.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Đặc biệt về Y tế Công cộng Kỹ thuật số ASEAN hôm 6/10, chuyên gia Wang phân tích những thông tin khoa học đằng sau dịch bệnh và những nguyên nhân có thể gây ra đại dịch trong tương lai.
Dơi có một hệ thống miễn dịch đặc biệt, giúp chúng có thể chứa một loại virus mà không phát triển bệnh. Ảnh: NPR
Ông Wang nói rằng, hầu hết các nhà khoa học tin rằng, chủng ban đầu của virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19 tồn tại ở loài dơi ở châu Á. Sau đó, virus truyền sang một động vật trung gian, có thể là tê tê hoặc cầy hương, trước khi lây nhiễm sang con người.
"Tiếp theo đó là sự lây truyền virus mạnh mẽ từ người sang người. Nhưng điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là loại virus này có thể dễ dàng lây truyền từ người trở lại động vật", ông Wang cho biết.
Trước đây đã có một vài báo cáo về việc vật nuôi nhiễm SARS-CoV-2 từ chủ nhân, nhưng không có bằng chứng về sự lây truyền từ vật nuôi sang chủ.
"Sẽ là điều đáng lo ngại nếu con người có thể lây nhiễm virus cho các vật chủ mới, như dơi ở lục địa Mỹ, vốn không phải là ổ chứa virus tự nhiên", ông Wang nói.
Giáo sư Wang cho biết, tình huống này có thể xảy ra khi một người mắc bệnh bỏ lại trái cây đang ăn dở và sau đó một con dơi ăn trái cây đó.
"Dơi có một hệ thống miễn dịch đặc biệt, giúp chúng có thể chứa một loại virus mà không phát triển bệnh. Tuy nhiên, virus vẫn có thể đột biến và truyền sang động vật trung gian X, Y hoặc Z. Bởi vậy, khi virus đột biến được truyền sang động vật X, Y, Z và lây sang người, chúng ta sẽ nhiễm các chủng virus X, Y, Z hoặc gọi là SARS-CoV-3", ông Wang giải thích.
Mỗi khi virus lây truyền từ loài này sang loài khác, nó sẽ có những thay đổi lớn về mặt di truyền để thích nghi với vật chủ mới. "Khi con người lây truyền virus cho các loài khác, virus sẽ đột biến nhiều hơn. Một trong những virus mới này có thể trở thành SARS-CoV-3", ông Wang nói.
Vậy làm thế nào để các nước có thể chuẩn bị ứng phó với một đại dịch như vậy trong tương lai? Giáo sư Wang đã đưa ra 3 mức độ chuẩn bị cho đại dịch.
Đầu tiên là giai đoạn trước khi virus xuất hiện. Ông Wang cho rằng cần xem xét những loại virus ở các loài động vật khác nhau và loài động vật nào mà con người buôn bán và tiêu thụ nhiều nhất.
"Điều này rất khó phát hiện vì các nhà khoa học không thể xác định loại virus cụ thể nào trong động vật có thể lây truyền sang con người. Do đó, để đối phó với đại dịch, giới khoa học cần làm việc với các cơ quan chính phủ và các tổ chức tài trợ quốc tế để đánh giá rủi ro và chuẩn bị các biện pháp đối phó nhằm ngăn virus lây lan", chuyên gia Wang nêu rõ.
Thứ hai là giai đoạn cảnh báo sớm. Khi có những ca mắc bệnh nghiêm trọng và bất thường tại phòng chăm sóc đặc biệt hoặc các phòng khám địa phương, đó có thể là dấu hiệu xuất hiện một loại virus mới.
Giai đoạn cuối cùng là khi virus bắt đầu lây lan, biện pháp cuối cùng là phát triển vaccine và phương pháp điều trị. Nhóm các nhà khoa học tại Trường Y khoa Duke thuộc Đại học Quốc gia Singapore đang nghiên cứu về vấn đề này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!