Cơ hội tháo gỡ bất đồng thương mại Nhật Bản - Hàn Quốc

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 24/12/2019 06:06 GMT+7

VTV.vn - Cuộc gặp giữa lãnh đạo Nhật Bản - Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ giúp hạ nhiệt những căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn của Đông Bắc Á.

Ngày 23/12, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In đã tới Trung Quốc để tham dự Hội nghị thượng đỉnh ba bên Hàn - Trung - Nhật. Dự kiến, ông Moon Jae-In sẽ có cuộc hội đàm riêng với Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo vào ngày 24/12 để bàn về cách thức giải quyết các vấn đề căng thẳng giữa hai bên.

Đây sẽ là cuộc tiếp xúc cấp cao nhất giữa hai nước kể từ khi căng thẳng thương mại bùng phát, kéo theo những lệnh cấm vận và hạn chế thương mại. Ngay trước cuộc gặp này, Nhật Bản đã bất ngờ nới lỏng các biện pháp hạn chế xuất khẩu chất cản quang, một trong ba nguyên liệu Tokyo hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc trong thời gian gần đây. Đây là một biểu hiện thể hiện thiện chí của phía Nhật Bản.

Trong những tuyên bố mới nhất, Seoul cho rằng quyết định của Tokyo đã thể hiện sự tiến bộ một phần, song đây không phải là một giải pháp cơ bản đối với vấn đề hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản. Cuộc chiến thương mại trong năm nay đã khiến cả hai bên chịu những thiệt hại không đáng có.

Căng thẳng thương mại Nhật - Hàn

Không một lon bia nào của Nhật Bản được xuất khẩu sang Hàn Quốc trong tháng 10/2019, trong khi kim ngạch xuất khẩu cùng kỳ năm 2018 là 800 triệu USD. Thông tin gây sửng sốt này cho thấy cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu châu Á vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Tại Hàn Quốc, doanh thu ngành công nghiệp chất bán dẫn, trụ cột lớn nhất của nền kinh tế, đã giảm 36% trong quý III so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu thị trường suy yếu cũng như mất nguồn cung nguyên liệu từ Nhật Bản. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Nhật Bản cũng đánh mất hàng chục tỷ USD do xuất khẩu sang Hàn Quốc ngừng trệ, cũng như suy giảm số lượng khách du lịch từ Hàn Quốc.

Cơ hội tháo gỡ bất đồng thương mại Nhật Bản - Hàn Quốc - Ảnh 1.

Cuộc tranh chấp thương mại bắt đầu từ tháng 7/2019, khi Nhật Bản đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách các quốc gia được hưởng ưu đãi thương mại. Người Hàn Quốc tin rằng đây là hành động nhằm trả đũa quyết định của Tòa án Hàn Quốc tịch thu tài sản các công ty Nhật Bản từng kiếm lời trong thời kỳ chiếm đóng nước này.

"Quan điểm phổ biến ở Hàn Quốc cho rằng ý định thực sự của Nhật Bản khi áp đặt kiểm soát thương mại là để kiềm chế sự vươn lên của kinh tế Hàn Quốc" - ông Woo Kwang Lee, Nhà nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc, cho biết.

Phía Nhật Bản bác bỏ quan điểm này và khẳng định chính sách hạn chế thương mại là điều bắt buộc khi Hàn Quốc đã tỏ ra là một đối tác không đáng tin cậy. Nhật Bản nêu quan ngại rằng các mặt hàng công nghệ cao của nước này có thể đã truyền từ Hàn Quốc sang Cộng Hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên.

Ông Junichi Ihara, Đại sứ Nhật Bản tại Liên Hợp Quốc, cho biết: "Quyết định của chúng tôi đơn thuần là sự thay đổi thủ tục quản lý xuất khẩu. Chúng tôi đã dành nhiều ưu đãi cho Hàn Quốc trước đây nhưng điều đó đã thay đổi".

Căng thẳng thương mại kéo dài không chỉ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế của cả Nhật Bản và Hàn Quốc mà còn lan sang nhiều lĩnh vực khác, gây mất ổn định trong khu vực. Hai nước đã tiến hành nhiều cuộc thảo luận nhằm tìm tiếng nói chung và các cuộc thảo luận này sẽ được tiếp tục trong năm 2020.

Một tín hiệu tích cực được ghi nhận đó là việc Hàn Quốc đã tạm hoãn ra quyết định có nên chấm dứt thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản hay không. Dù khó để thu hẹp ngay lập tức những bất đồng nhưng hai bên đều đang gửi đi tín hiệu cho thấy không muốn để tranh cãi thương mại lan rộng sang những lĩnh vực hợp tác khác.

Mâu thuẫn Nhật Bản - Hàn Quốc: Vì đâu nên nỗi? Mâu thuẫn Nhật Bản - Hàn Quốc: Vì đâu nên nỗi?

VTV.vn - Trong chưa đầy nửa năm căng thẳng, những biện pháp cấm vận lẫn nhau đã mang đến nhiều tác động tiêu cực cho nền kinh tế của cả hai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước