Colombia nâng mức cảnh báo núi lửa phun trào, người dân từ chối sơ tán

Nguyễn Mai-Thứ sáu, ngày 07/04/2023 10:57 GMT+7

VTV.vn - Chính phủ Colombia đã nâng mức cảnh báo núi lửa lên màu cam, trong bối cảnh núi lửa Nevado del Ruiz chuẩn bị phun trào trong những ngày hoặc tuần tới.

Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, giới chức Colombia đang đẩy nhanh việc sơ tán khoảng 2.500 hộ gia đình sống gần núi lửa song nhiều người tỏ ra không mấy lo lắng về mối nguy khi ngọn núi lửa này thức giấc. Điều này đang đặt ra những lo ngại về sự an toàn tính mạng và thiệt hại nếu thảm họa thực sự xảy ra.

Tro bụi và khói từ ngọn núi lửa Nevado del Ruiz có thể nhìn được bằng mắt thường, song với những người dân sống dưới chân núi, chuyện đó dường như chẳng có gì quá nguy hiểm.

Colombia nâng mức cảnh báo núi lửa phun trào, người dân từ chối sơ tán - Ảnh 1.

Ông Evelio Ortiz, một nông dân trồng khoai tây vẫn canh tác trên cánh đồng nhà ông mỗi ngày, bất chấp yêu cầu sơ tán của giới chức địa phương.

Ông Evelio Ortiz - Nông dân tỉnh Tolima, Colombia: "Núi lửa không làm tôi sợ đâu vì tôi đã chứng kiến nó phun trào một lần rồi. Đúng là nó tạo ra tiếng ồn khi đất đá rơi xuống, nhưng không có gì phải sợ".

Tổng thống Colombia Gustavo Petro đã chỉ thị lực lượng chức năng đẩy nhanh công tác sơ tán người dân. Tuy nhiên, nhiều cư dân như ông Ortiz và cả những gia đình sống sót sau vụ núi lửa phun trào năm 1985 đã từ chối sơ tán. Các quan chức ứng phó thảm họa cũng cho biết, có thể sơ tán cả gia súc, hoặc người nông dân sẽ được phép quay trở về chăm sóc chúng trong ngày.

Colombia nâng mức cảnh báo núi lửa phun trào, người dân từ chối sơ tán - Ảnh 2.

"Tôi nghĩ là đất đá sẽ rơi ở đằng kia thôi, có thể nước sông sẽ dâng lên một chút. Đợt núi lửa phun năm 1985, đá còn rơi cả vào mái nhà tôi. Tôi nghĩ lần này không đến mức lở nhiều đất đá thế", ông Evelio Ortiz nói.

Theo Cơ quan xử lý thiên tai Colombia, có khoảng 57.000 người sống trong vùng nguy hiểm của núi lửa trải rộng trên các vùng của 6 tỉnh. Chính quyền các địa phương khẳng định việc sơ tán phòng ngừa là cần thiết do khu vực có hệ thống cơ sở hạ tầng nghèo nàn, có thể gây khó khăn cho hoạt động liên lạc trong tình huống xảy ra thảm họa và điều này sẽ cản trở hoạt động cứu nạn cứu hộ trong tình huống khẩn cấp. Núi lửa này từng phun trào năm 1985 khiến hơn 25.000 người thiệt mạng và nếu không có sự chuẩn bị sớm, thiệt hại về người và của trận phun trào năm nay có thể xảy ra.

Núi lửa lớn nhất thế giới phun trào sau 40 năm Núi lửa lớn nhất thế giới phun trào sau 40 năm

VTV.vn - Ngày 28/11, núi lửa Mauna Loa ở Hawaii, ngọn núi lửa đang hoạt động lớn nhất thế giới hiện nay, đã phun trào lần đầu tiên sau 40 năm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước