Những nỗ lực cứu vãn một thỏa thuận cho COP28, ngay cả khi đã quá thời hạn đàm phán, đã được đền đáp. Thỏa thuận dù chưa thể làm hài lòng tất cả các bên nhưng được kỳ vọng sẽ là nền tảng quan trọng cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trong giai đoạn mới.
Thỏa thuận của COP28 được nước chủ nhà công bố với tên gọi "Đồng thuận Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất". Thỏa thuận được xem là một dấu mốc trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, khi COP28 cũng là lần đầu tiên thế giới có một bản đánh giá đầy đủ về tiến trình thực hiện các cam kết về chống biến đổi khí hậu của các quốc gia theo Thỏa thuận chung Paris 2015. "Đồng thuận Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất" vì thế mang sứ mệnh phải vạch ra cho thế giới một lộ trình mới, hiệu quả hơn nhằm thực hiện được các mục tiêu đã đề ra về chống biến đổi khí hậu.
Trong văn bản cuối cùng của Thỏa thuận COP28, các bên đã thống nhất kêu gọi các quốc gia dần chuyển dịch khỏi việc tiêu thụ các nguồn năng lượng hóa thạch để hướng đến các nguồn năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đạt được một thỏa thuận, COP28 đã huy động thành công 85 tỷ USD cho các chương trình chống biến đổi khí hậu trong giai đoạn tới.
Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã trải qua được 28 năm, nhưng đây mới là lần đầu tiên thế giới có một văn bản chính thức nhìn nhận, việc rời xa các nguồn năng lượng hóa thạch sẽ là một xu thế không thể khác nếu muốn ngăn chặn những hệ quả của biến đổi khí hậu.
Trong các hội nghị trước đây, nội dung này từng không ít lần được nêu ra nhưng đều bị loại bỏ. Những gì thỏa thuận COP28 vừa đạt được vì thế không chỉ là những bước tiến về câu chữ, nó cũng cho thấy, việc kiến tạo sự đồng lòng về các bước đi chống biến đổi khí hậu vẫn đang là một thách thức lớn như thế nào.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!