COVID-19, xung đột và biến đổi khí hậu tàn phá Somalia

Nguyễn Mai Phương A (Theo The Guardian)-Thứ sáu, ngày 10/09/2021 22:39 GMT+7

Cô Fadumo Ali Mohamed sống trong khu định cư ở thủ đô Mogadishu, Somalia cùng các con

VTV.vn - Khủng hoảng chồng chất đã đẩy Somali đến bờ vực thảm họa nhân đạo, với một phần tư dân số có nguy cơ rơi vào nạn đói.

Fadumo Ali Mohamed đã quyết định rời bỏ ngôi làng của mình vào đầu năm nay. Cùng với 9 đứa con, cô đã đi bộ 30 km ròng rã trước khi được một người tốt bụng cho đi nhờ xe đến thủ đô Mogadishu. Giờ đây ở Mogadishu, cô là một trong số hơn 800.000 người dân Somalia di cư và sống trong những khu định cư chật hẹp, tạm bợ, với việc tiếp cận thực phẩm, nước và chăm sóc sức khỏe rất hạn chế.

Nỗi kinh hoàng trong quá khứ vẫn còn ám ảnh Fadumo.

"Xung đột đã nổ ra giữa hai bộ tộc và chúng tôi mắc kẹt ở đó hai ngày liền. Người họ hàng và dì của tôi đã chết trong cuộc đấu súng. Đám dân quân đã chặn các giếng nước, không ai dám đến gần nên tôi quyết định bỏ trốn cùng các con".

Xung đột bộ tộc không phải là điều gì mới mẻ ở Somalia, chỉ có điều nó đang trở nên ngày càng tồi tệ hơn. Thêm vào đó là tình trạng hạn hán kéo dài, nguồn nước ngày càng cạn kiệt, thiếu đất trồng trọt. Những khủng hoảng chồng chất nhau đã tàn phá quốc gia Đông Phi mong manh này và dẫn đến tình trạng di dân quy mô lớn trên khắp Somalia. COVID-19 mang đến một cuộc khủng hoảng mới cũng chết chóc không kém các cuộc khủng hoảng sẵn có và không ai có thể làm gì để giải quyết được với tình trạng chính trị bất ổn tại đây.

Hậu quả nhãn tiền là nạn đói. Hồi đầu tháng này, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cảnh báo, Somalia hiện đã "lên đến đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng nhân đạo". Cứ 4 người thì có 1 người phải đối mặt với tình trạng mất an toàn về lương thực và hơn 800.000 trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ suy dinh dưỡng trầm trọng.

Ông Mohammed Mukhier, Giám đốc IFRC châu Phi, cho biết: "Somalia là một trong những vùng đất khó sống nhất trên thế giới ngày nay. Nước này có thể ví như bản liệt kê danh sách thảm họa. Biến đổi khí hậu, xung đột quân sự và COVID-19 đã hòa quyện lẫn nhau để tạo thành một cuộc đại khủng hoảng ảnh hưởng tới hàng triệu người. Chúng ta không thể tiếp tục nói về khủng hoảng nữa; chúng ta phải giảm bớt sự đau khổ của người Somali ngay bây giờ".

COVID-19, xung đột và biến đổi khí hậu tàn phá Somalia - Ảnh 1.

Những lều trại cho người di cư ở Belet Weyne, Somalia, phía bắc thủ đô Mogadishu

Một con người khốn khổ khác, ông Ahmed Yarow Ahmed, 50 tuổi, đã rời bỏ thị trấn Rabdhure ở vùng Tây Nam Bakool Somalia sau khi đàn gia súc của ông bị xóa sổ bởi đợt hạn hán năm 2017. Là một trong 2,9 triệu người Somalia phải rời bỏ quê hương, ông hiện đang phải sống trong một khu trại dành cho người di cư ở thành phố Baidoa.

"Tôi từng có 70 con dê và một trang trại, tôi đã cố gắng hết sức để gây dựng hai thứ đó" - người cha của 9 đứa trẻ nói - "Nhưng tôi buộc phải rời đi khi ba năm liền không có mưa và tất cả đàn gia súc của tôi đều chết".

"Nhiều người chết, nhưng cuộc sống trong các trại tị nạn cũng không khá hơn chút nào, vì không có đủ thức ăn. Có nhiều người dễ bị tổn thương, bao gồm người già, phụ nữ và trẻ em không có người đi kèm mà không có gì để ăn. Chúng tôi chia sẻ những gì ít ỏi mà chúng tôi có với nhau".

Có những người thậm chí còn phải chạy trốn nhiều lần, từ chỗ này qua chỗ khác, như cô Mohamed Awad. Hiện nay cô đang sống ở thành phố cảng Bosaso nhưng 5 năm trước, nhà của cô là ở Balad Amin vùng hạ Shabelle.

"Chúng tôi phải rời bỏ nhà cửa vì không có mưa, không có thức ăn, không có gì hết. Tất cả mọi người đều chạy về Mogadishu và tôi đã theo với hy vọng cứu các con tôi" - cô Mohamed hồi tưởng. Nhưng năm ngoái cô lại bị đuổi khỏi nơi ở tạm bợ của mình trong khu định cư quận Kahda của thủ đô.

"Các chủ đất đến và đuổi chúng tôi ra khỏi nơi cư trú. Vì không còn chỗ nào để đi nên chúng tôi quyết định quay lại làng, để rồi buộc phải quay trở lại thủ đô một lần nữa bởi những cuộc giao tranh. Bây giờ tôi đã từ bỏ. Tôi thà vật lộn để sống sót tại đây còn hơn là chạy trốn".

COVID-19, xung đột và biến đổi khí hậu tàn phá Somalia - Ảnh 2.

Những người di cư như gia đình cô Fadumo Ali Mohamed chỉ có thể ăn một bữa mỗi ngày

Vào tháng 6, Liên Hợp Quốc cho biết Somalia đối mặt với tình trạng thiếu kinh phí tồi tệ nhất trong 6 năm qua. Trong một lời kêu gọi khẩn cấp được đưa ra vào tháng 7, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cho biết, họ đang tìm cách quyên góp 7 triệu bảng Anh để Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Somalia có thể hỗ trợ nhân đạo cho người dân ở Somaliland và Puntland trong 18 tháng tới. Họ cảnh báo rằng, COVID-19 có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm các hộ gia đình nghèo ở khu vực đô thị và các khu trại tập trung sống trong điều kiện đông đúc, thiếu vệ sinh.

Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn kinh tế của Somalia, vốn đang dần phục hồi sau nhiều năm xung đột trước khi COVID-19 xuất hiện. Theo Ngân hàng thế giới, nền kinh tế Somali giảm 1,5% vào năm 2020.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước