Cuộc đua tìm tạng động vật ghép cho con người

Vân Ánh-Chủ nhật, ngày 22/12/2024 13:46 GMT+7

VTV.vn - Các nhà khoa học đang nỗ lực mở ra hy vọng mới cho bệnh nhân suy thận bằng việc cấy ghép nội tạng lợn chỉnh sửa gen vào cơ thể người.

Những nỗ lực cấy ghép nội tạng động vật sang cơ thể con người đã kéo dài nhiều thập kỷ mà chưa đạt được bước đột phá. Với thực trạng thiếu hụt nguồn tạng hiến từ con người, nhiều bệnh nhân suy thận lo lắng rằng họ sẽ không bao giờ được ghép thận. Trước thách thức này, các bác sĩ và nhà khoa học trên toàn cầu đang thử nghiệm việc sử dụng nội tạng từ lợn, nhằm tìm ra phương án chỉnh sửa gen phù hợp để ghép tạng lợn vào cơ thể người một cách lâu dài và hiệu quả.

Nhờ vào công nghệ chỉnh sửa gen, các nhà khoa học đang cố gắng giảm thiểu sự khác biệt giữa lợn và người. Họ loại bỏ các gen lợn gây đào thải quá mức và thêm các gen của con người, nhằm giúp hệ miễn dịch của người tiếp nhận tạng không tấn công các mô ghép ngay lập tức. Tuy nhiên, việc tìm ra phương án chỉnh sửa gen tối ưu để đảm bảo tạng lợn phù hợp với cơ thể người vẫn còn nhiều thách thức.

Cuộc đua tìm tạng động vật ghép cho con người - Ảnh 1.

Bác sĩ phẫu thuật ghép tạng chuẩn bị ca phẫu thuật cho bệnh nhân nhận thận lợn chỉnh sửa gen tại NYU Langone Health ở New York, ngày 25/11/2024. (Ảnh: AP)

Tại Mỹ, công ty Revivicor đã chỉnh sửa 10 gen trên nội tạng lợn để tăng khả năng tương thích với cơ thể người. Trong khi đó, công ty eGenesis thực hiện chỉnh sửa tới 69 gen, không chỉ cải thiện sự tương thích mà còn vô hiệu hóa các gen liên quan đến virus lợn, giảm nguy cơ lây nhiễm cho người nhận tạng.

Tháng 11/2024, bà Towana Looney, 57 tuổi, một phụ nữ ở bang Alabama (Mỹ), đã trở thành người thứ năm được ghép thận lợn chỉnh sửa gen. Trước đó, bà đã phải chạy thận nhân tạo suốt 8 năm, nhưng phương pháp này không thể thay thế hoàn toàn chức năng thận, khiến sức khỏe của bà ngày càng suy yếu.

Sau ca phẫu thuật, bà Looney chia sẻ: "Tôi cảm thấy như mình có cơ hội được sống lần nữa. Giống như một khởi đầu mới".

Cuộc đua tìm tạng động vật ghép cho con người - Ảnh 2.

Thận lợn chỉnh sửa gen được lấy ra khỏi bao bì tại phòng phẫu thuật tại NYU Langone Health ở New York vào ngày 25/11/2024. (Ảnh: AP)

Tiến sĩ Jayme Locke, bác sĩ phẫu thuật thực hiện ca ghép, cho biết: "Thật đáng kinh ngạc. Quả thận chuyển sang màu hồng và trông giống hệt thận người. Nó tạo ra nước tiểu chỉ trong vài phút. Bệnh nhân hồi phục tốt, má ửng hồng và tràn đầy sức sống".

Chỉ sau 11 ngày phẫu thuật, bà Looney đã được xuất viện, cho thấy tiềm năng lớn từ việc ghép thận lợn chỉnh sửa gen.

Cho đến nay, các ca ghép tạng lợn tại Mỹ chỉ được thực hiện trong trường hợp khẩn cấp, được gọi là các ca ghép "vì mục đích nhân đạo". Đây là lựa chọn cuối cùng cho những bệnh nhân không còn hy vọng nào khác. Dù kết quả ban đầu đầy hứa hẹn, nhưng để áp dụng rộng rãi, cần thêm nhiều nghiên cứu và thử nghiệm nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả lâu dài cho người nhận tạng.

Phá kỷ lục cấy ghép thận lợn biến đổi gene cho người Phá kỷ lục cấy ghép thận lợn biến đổi gene cho người Bước đột phá trong cấy ghép tạng giữa các loài Bước đột phá trong cấy ghép tạng giữa các loài Người đầu tiên trên thế giới được cấy ghép não để kiểm soát cơn động kinh Người đầu tiên trên thế giới được cấy ghép não để kiểm soát cơn động kinh

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước