Đây là con tàu du lịch mạo hiểm chuyên dành cho những khách hàng giàu có - một loại mô hình du lịch cao cấp nhưng rủi ro - ngày càng thịnh hành. Trong đoàn du lịch lần này có tỷ phú người Anh Hamish Harding và cả Stockton Rush - Giám đốc điều hành và là người sáng lập của OceanGate - công ty tổ chức chuyến tham quan xác tàu Tinanic.
Tàu lặn Titan được trang bị nguồn cung cấp oxy khẩn cấp trong bốn ngày (tức 96 giờ). Người ta ước tính rằng 5 người trong tàu chỉ còn đủ oxy trong khoảng 7 giờ nữa. Đến chiều qua, đội cứu hộ đã ghi nhận được những tiếng va đập ngắt quãng ở khu vực Bắc Đại Tây Dương, nơi tàu Titan đã biến mất hai ngày trước đó. Những tiếng va đập lặp đi lặp lại đều đặn 30 phút/lần. Hệ thống phao sonar được triển khai 4 giờ sau đó và vẫn nghe thấy những âm thanh này.
Tính phức tạp của cuộc tìm kiếm cứu hộ tàu Titan
Lực lượng tìm kiếm cứu hộ được điều động ở cấp độ quốc tế, họ đang phải rà soát một diện tích hơn 13.000km2 từ cả trên không và trên biển để phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của con tàu lặn. Hiện vẫn chưa xác định được vị trí của tàu Titan và dù đến lúc xác định được tàu ở đâu thì việc giải cứu những người bên trong cũng sẽ vô cùng phức tạp.
Máy bay tìm kiếm từ trên không, các phao sóng âm đang dò tìm trên biển. Hiện tàu Titan có thể đang ở đáy biển, mà cũng có thể đang trôi nổi gần trên mặt biển ở nơi nào đó. Toàn bộ 5 người trong tàu vẫn kẹt ở trong, vì tàu bị chốt chặt ở bên ngoài. Nếu tàu nằm ở đáy biển, các chuyên gia cho hay gần như sẽ không cứu được. Vị trí tàu lặn tham quan - có xác tàu Titanic nằm ở độ sâu hơn 4km so với mặt biển.
Giáo sư Alistair Greig - Đại học London, Vương quốc Anh: "Nếu tàu nằm ở đáy biển thì thách thức là làm thế nào để đưa người lên. Không thể chuyển họ từ tàu Titan sang một tàu khác ở độ sâu ấy mà sẽ phải dùng loại tàu robot nào đó đi xuống đó kéo tàu Titan lên mặt nước để rồi đưa người ra. Tất cả mất rất nhiều thời gian".
Ông Tim Matlin - Chuyên gia nghiên cứu tàu Titanic: "Ở dưới đó tối đen, lạnh cóng. Đáy biển là bùn, nhấp nhô, có giơ tay ra trước mặt cũng không nhìn thấy".
Nếu tàu Titan có đang nổi trên mặt nước ở đâu đó, thì tìm được tàu cũng vô vàn khó khăn. Tàu Titan chỉ dài gần 7 mét, lại được thiết kế gần như chìm dưới nước, chỉ có một phần nhỏ nổi lên trên, tàu lại còn màu trắng, đơn sắc, nên sẽ rất khó phát hiện từ trên không.
"Tôi cho rằng nếu tàu có ở trên mặt nước thì còn hy vọng cứu hộ tới kịp để tháo chốt từ bên ngoài, đưa không khí vào rồi đưa người ra", ông Tim Matlin nói.
Những tình huống tai nạn có thể đã xảy ra với tàu Titan
Vào năm 2018, những lo ngại về sự an toàn của chiếc tàu lặn Titan này đã từng nóng lên trong vụ kiện của cựu Giám đốc hoạt động hàng hải David Lochridge với hãng OceanGate. Ông David Lochridge cáo buộc đã bị công ty chủ tàu lặn Titan sa thải, sau khi nêu bật lo ngại về "thiết kế thân tàu du lịch không chịu được độ sâu quá lớn" và "công ty thiếu các cuộc kiểm tra "sai sót tiềm ẩn".
Theo New York Times, nhiều tháng trước vụ kiện, một nhóm các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp lặn đã viết thư cho công ty OceanGate cảnh báo rằng cách tiếp cận "thử nghiệm" đối với sự phát triển của tàu lặn có thể dẫn đến các vấn đề "từ nhỏ đến thảm khốc".
Và bây giờ sau khi sự việc đã xảy ra, trong lúc các cuộc điều tra nguyên nhân vụ tai nạn chưa được tiến hành, thì việc tìm kiếm tàu Titan vẫn là ưu tiên hàng đầu. Một chiến dịch giải cứu sâu nhất trong lòng đại dương - chưa từng có trong lịch sử đang được tiến hành!
Hiện các thiết bị chính đang được triển khai cho công việc tìm kiếm cứu hộ tàu Titan cả trên không và trên biển bao gồm: 2 máy bay C-130 của Mỹ, 2 máy bay của Canada, trong đó 1 chiếc là P8 Poseidon và 1 chiếc là P3 Aurora. Những máy bay này làm nhiệm vụ vừa tìm kiếm tàu Titan, vừa phóng xuống biển những thiết bị dò tìm tàu Titan. Các tàu tìm kiếm cứu hộ triển khai trên mặt biển, dùng radar, thiết bị tìm kiếm bằng sóng âm phản xạ và robot. Các thiết bị giống như ngư lôi, được máy bay P3 của Canada phóng xuống biển để phát và nhận sóng âm phản xạ, nhằm phát hiện tàu Titan.
Và mới được cử đến là robot Victor, robot lặn biển sâu của Pháp, có thể lặn xuống đến độ sâu 6km, trong khi xác tàu Titanic chỉ ở độ sâu khoảng 4km. Các chuyên gia Pháp cũng đã được cử khẩn cấp đến để điều khiển robot Victor lặn xuống tìm kiếm, cứu hộ tàu Titan.
Dấu hỏi về sự an toàn của tàu Titan
Con tàu lặn Titan là cách duy nhất để các du khách xuống tận nơi có xác con tàu đắm Titanic huyền thoại. Số tiền bỏ ra hàng trăm ngàn USD mỗi người để xuống được độ sâu 3.800 mét dưới đáy Đại Tây Dương, nhưng hành trình này liệu có an toàn?.
David Pogue, hiện đang là phóng viên của kênh truyền hình CBS của Canada, người cũng đã thực hiện chuyến hành trình lặn biển bằng tàu Titan của Ocean Gate vào năm 2022, kể lại rằng ông đã đọc một thông báo mô tả chiếc tàu lặn là phương tiện thử nghiệm, chưa được cấp phép hoặc phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền. Chuyến đi có thể dẫn tới chấn thương, hội chứng tâm lý hoặc khiến hành khách tử vong.
Ông David Pogue - Người từng lặn bằng tàu Ocean Gate chia sẻ: "Trước khi đi, chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy tàu lặn. Chúng tôi không biết gì về nó, có rất ít thông tin trên mạng, chỉ biết nó là một công nghệ hiện đại, tàu lặn bằng sợi carbon có một không hai. Vào thời điểm đó, tôi không biết rằng có thể điều khiển tàu bằng bộ điều khiển trò chơi Xbox. Tôi không biết rằng chấn lưu là ống xây dựng đã qua sử dụng".
Ocean Gate giải thích tay cầm điều khiển điện tử là giải pháp tuyệt vời vì có giá thành khá rẻ và đặc biệt là rất quen thuộc với người trẻ. Không chỉ tàu ngầm, quân đội Mỹ còn sử dụng tay cầm Xbox để điều khiển robot phá bom. Tuy nhiên, hình ảnh từ Ocean Gate cho thấy Titan có nội thất giống như một ống kim loại, nơi hành khách có thể ngồi trên sàn phẳng quay lưng vào những bức tường cong. Bên trong tàu ngầm không có ghế và có rất ít không gian để di chuyển hoặc thậm chí việc đứng thẳng cũng không thể.
Bùng nổ ngành du lịch rủi ro cao
Việc đi xuống đáy biển bằng tàu lặn để khám phá xác tàu Titanic chỉ là một trong nhiều chuyến du lịch thám hiểm được mô tả là 'cực đoan' diễn ra trong thời gian gần đây. Các khách du lịch giàu có sẵn sàng bỏ ra những số tiền lớn, và chấp nhận sự nguy hiểm đáng kể để có được trải nghiệm độc lạ và cảm giác đạt được một thành tích mới.
Xuống đáy biển hay tới những nơi tận cùng của Trái đất, hoặc bay vào vũ trụ? Ngành du lịch rủi ro cao đang bùng nổ. Có rất nhiều người thích du lịch luôn luôn đẩy lùi các giới hạn để theo đuổi sự phấn khích và để khoe khoang. Họ quá quen với những gì được coi là du lịch thông thường, nên bắt đầu tìm kiếm những trải nghiệm độc đáo hơn, nhiều trải nghiệm trong số này có độ rủi ro.
Ông Peter Anderson - Giám đốc điều hành, công ty dịch vụ xa xỉ Knightsbridge Circle: "Khách hàng của những tour du lịch này sẵn sàng ngồi trong lồng xem cá mập trắng khổng lồ dưới biển ngoài khơi Mexico, hay đi xem núi lửa đang hoạt động ở New Zealand để rồi mất tích không tìm được thi hài… hoặc bay vào vũ trụ bằng dịch vụ mà đến những người nằm trong top giàu nhất thế giới cũng thấy đáng để bỏ tiền vào đầu tư kinh doanh".
Đó là dịch vụ tham quan vũ trụ của ba tỷ phú: Jeff Bezos với công ty Blue Origin, Richard Branson với công ty Virgin Galactic và Elon Musk với công ty SpaceX. Các tour này bán vé đắt tiền nhất và cũng có rủi ro vào loại hàng đầu. Vé cho một chuyến du hành dưới quỹ đạo của công ty Virgin Galactic có giá khởi điểm là 450 nghìn USD, tương đương hơn 10 tỷ VNĐ. Còn công ty SpaceX thì đẩy rủi ro lên cao với chuyến bay du lịch vào vũ trụ mà chỉ có toàn hành khách dân sự, không hề có một phi hành gia được đào tạo nào có mặt trên tàu. Còn để được một chỗ ngồi trong chuyến hành trình kéo dài 8 ngày tới vị trí xác tàu Titanic dưới đáy biển, mỗi hành khách con tàu Titan mất tích cũng đã phải trả 250.000 USD (tương đương 5,8 tỷ VNĐ).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!