Cựu Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok tại Khartoum, Sudan, ngày 24/11/2021. (Ảnh: Anadolu Agency)
Khoảng 500 dân thường được cho là đã thiệt mạng kể từ khi giao tranh ở Sudan nổ ra vào ngày 15/4, chủ yếu là giữa lực lượng quân đội do Tướng Abdel Fattah al-Burhan đứng đầu và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) do Mohamed Hamdan Daglo chỉ huy. Tranh chấp chính giữa hai bên xoay quanh kế hoạch tích hợp RSF vào lực lượng quân đội hiện có của Sudan.
Cả hai bên tham chiến đã tạm thời đồng ý với một số thỏa thuận ngừng bắn, nhưng không có thỏa thuận nào được giữ đảm bảo vững chắc, vì xung đột bạo lực vẫn tiếp diễn ở thủ đô Khartoum của Sudan. Tình trạng mất điện trên diện rộng, cũng như thiếu lương thực và nước uống ở Khartoum đã được báo cáo. Các ước tính của Liên hợp quốc cho thấy, khoảng 75.000 người đã phải di dời sau khi giao tranh bùng nổ, điều này cũng dẫn đến việc hàng loạt lao động nước ngoài rời khỏi quốc gia châu Phi này.
Giao tranh tại Sudan bắt đầu bùng phát vào ngày 15/4. (Ảnh: The Conversation)
Ông Hamdok nói thêm, ông tin rằng cuộc xung đột là một "cuộc chiến vô nghĩa". "Không có ai sẽ hiến thắng trong cuộc xung đột này. Đó là lý do tại sao nó phải dừng lại", ông Hamdok nhận định.
Cựu Thủ tướng Sudan Hamdok bị Tư lệnh quân đội Abdel Fattah al-Burhan phế truất quyền lực ở Sudan vào tháng 10/2021, một điểm nóng khác trong bối cảnh đất nước đang trong quá trình chuyển đổi sang chế độ dân chủ. Ông trở lại chính phủ theo các điều khoản chia sẻ quyền lực với quân đội của Tướng al-Burhan trước khi quyết định từ chức vào tháng 1, trong bối cảnh một số người biểu tình tuyên bố rằng sự liên kết của ông Hamdok với quân đội chỉ nhằm giúp "đóng dấu cao su" cho một cuộc tiếp quản quân sự.
Sudan trước đây do nhà lãnh đạo độc tài, cựu Tổng thống Omar al-Bashir cai trị từ năm 1993 đến 2019, trước khi ông này cũng bị cách chức sau các cuộc biểu tình rầm rộ dẫn đến một cuộc đảo chính quân sự.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!