Đại dịch COVID-19 đè nặng tâm lý thanh thiếu niên

Quang Duy-Thứ hai, ngày 11/05/2020 04:46 GMT+7

VTV.vn - Dịch COVID-19 gây ra sự xáo trộn cuộc sống của thanh thiếu niên ở quy mô chưa từng có, khiến các em chịu nhiều tác động về tâm lý mà không phải ai cũng hiểu.

Đại dịch COVID-19 không chỉ phủ "bóng đen" lên cảm xúc của những người lớn mà còn tác động nhiều về mặt tâm lý đối với thanh thiếu niên. Cuộc sống của các em đã bị xáo trộn ở quy mô chưa từng có bởi đại dịch.

Theo UNESCO - Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc - ước tính, 91% học sinh toàn cầu, tương đương khoảng 1,6 tỷ em, đang bị gián đoạn học tập vì dịch bệnh.

Niềm vui đến trường

48 bang và thủ đô Washington D.C của Mỹ vẫn duy trì lệnh đóng cửa trường cho đến hết năm học này, tương đương hết tháng 5. Chỉ có 2 bang Motana và Idaho cho phép học sinh đi học trở lại. Đây là hai trong những bang có số ca mắc và tử vong vì COVID-19 ít nhất tại Mỹ. Kênh truyền hình CNN đăng tải hình ảnh trường công đầu tiên tại Mỹ đón học sinh đi học trở lại.

Đại dịch COVID-19 đè nặng tâm lý thanh thiếu niên - Ảnh 1.

Giám thị trường Willow Creek, Montana, kiểm tra thân nhiệt học sinh trong ngày đầu tiên đi học trở lại (Ảnh: AP)

Khoảng 40 học sinh trường Willow Creek, bang Motana đến trường lần đầu tiên sau 2 tháng. Các em xếp hàng nghiêm chỉnh, giữ khoảng cách để kiểm tra thân nhiệt trước khi vào trường.

"Bọn trẻ rất háo hức được đi học trở lại", chị Erika mẹ của 2 học sinh tại ngôi trường này cho biết. Khảo sát địa phương cho thấy, 76% số cha mẹ tại thị trấn Willow Creek mong muốn cho con đi học.

Đại dịch COVID-19 đè nặng tâm lý thanh thiếu niên - Ảnh 2.

Chị Erika đưa con đi học trở lại sau 2 tháng bang Montana đóng cửa, giãn cách xã hội (Ảnh: AP)

Đối với học sinh, niềm vui được đến trường là không thể so sánh được. Học sinh tại Montana và Idaho là số ít may mắn được tận hưởng niềm vui này, còn đại đa số học sinh Mỹ vẫn phải ở nhà, thích nghi với cuộc sống giãn cách xã hội.

Tương lai đột nhiên trở nên bất định

Zoe sinh năm 2002, đang theo học năm cuối cấp tại một trường trung học phổ thông tại bang California, Mỹ. Mới 2 tháng trước, chủ đề được bàn luận thường xuyên trong gia đình em là Zoe sẽ học trường đại học nào? Zoe có mục tiêu học tập rõ ràng, chăm chỉ, kết quả học tập khá. Em đã dành cả mùa hè năm ngoái để tham khảo ý kiến thầy cô, bố mẹ và viết bài luận, chuẩn bị hồ sơ thật tốt với mục tiêu ứng tuyển vào các trường đại học em mong muốn. Thực tế thì Zoe đã gửi hồ sơ tới 11 trường khác nhau, em có nhiều cơ hội được nhận. Zoe háo hức chờ đợi phản hồi từ phía trường. So với các bạn bè đồng trang lứa thì có thể coi tương lai của Zoe khá sáng lạn.

Thế nhưng tình hình đột ngột thay đổi.

Đại dịch COVID-19 đè nặng tâm lý thanh thiếu niên - Ảnh 3.

Kế hoạch tương lai của các em học sinh cuối cấp đột nhiên trở nên bất định (Ảnh: Getty images)

Chuyện học tập của Zoe không còn là chủ đề quan tâm hàng đầu của gia đình em nữa. Các bữa ăn trong gia đình giờ đây chỉ toàn nói về COVID-19.

Bố của Zoe năm nay 48 tuổi, ông đã chứng kiến nhiều sự kiện chấn động trong đời. Ông chứng kiến sự kiện Watergate, một trong những bê bối lớn nhất của chính trường Mỹ. Ông theo dõi diễn biến cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh từ kí túc xá của trường đại học. Ông không bao giờ quên nỗi đau của nước Mỹ sau vụ khủng bố ngày 11/9. Những trải nghiệm thăng trầm có lẽ đã khiến tâm lý của người lớn vững chãi hơn.

Zoe thì khác, em năm nay mới 18 tuổi. Tình hình thời sự trong những năm qua tuy có những biến động nhưng có lẽ không thể so sánh được với những biến cố bố em đề cập ở trên. Zoe biết về sự kiện Mỹ phát động cuộc chiến tại Iraq, các vụ xả súng gia tăng, phong trào #MeToo, iPhone lần đầu được ra mắt, sự bùng nổ của mạng xã hội. Ông Barack Obama làm Tổng thống trong 8 năm và Osama bin Laden bị tiêu diệt. Kinh tế Mỹ xô đổ nhiều kỉ lục, thị trường chứng khoán chạm các mốc điểm cao nhất lịch sử, số lượng người thất nghiệp thấp nhất từ năm 1969… Kinh tế gia đình Zoe cũng khá tốt, gia đình có thể trả học phí đại học cho em. Em sẽ có việc làm sau khi ra trường. Con đường đi của Zoe là chắc chắn.

Nhưng chỉ sau có vài tuần, sự chắc chắn đó đã lung lay dữ dội.

Đại dịch COVID-19 đè nặng tâm lý thanh thiếu niên - Ảnh 4.

Thông báo đóng cửa tại trường trung học phổ thông Sir Francis Drake, thị trấn San Anselmo, bang California, Mỹ (Ảnh: Getty images)

Mọi người phải làm quen với cuộc sống "bình thường kiểu mới". Zoe dành phần lớn thời gian quanh quẩn trong phòng và nhìn vào màn hình điện thoại. Em cũng như hàng trăm triệu người Mỹ được kêu gọi hạn chế ra ngoài.

Các tác động của đại dịch đến tâm lý Zoe là thực sự nặng nề. Mỗi ngày lại thêm những tin xấu về COVID-19, tâm trạng của Zoe càng u buồn hơn.

Zoe cho biết em đang cố gắng chấp nhận thực tế là những ngày đi học ở trường cấp 3 đã chấm dứt. Không còn các giờ vận động thể chất; không còn các tiết học trao đổi thú vị với thầy cô, bạn bè; cũng chẳng còn Prom party - buổi dạ tiệc chia tay cực kỳ quan trọng đối với học sinh cuối cấp Mỹ. Zoe bắt đầu cảm thấy công sức học tập trong mấy năm vừa qua đã đổ sông đổ bể.

Giai đoạn nhạy cảm với thanh thiếu niên

Trang thông tin chuyên về các vấn đề tâm lý Psychology Today đăng tải bài viết cho rằng đây là giai đoạn nhạy cảm đối với các bạn trẻ: "Thanh thiếu niên và sinh viên tràn đầy năng lượng, nhu cầu giao tiếp lớn khiến họ gặp nhiều khó khăn khi phải ở nhà giãn cách xã hội. Các thay đổi về hormone trong giai đoạn dậy thì càng khiến tâm trạng trở nên khó đoán định".

Đại dịch COVID-19 đè nặng tâm lý thanh thiếu niên - Ảnh 5.

Thanh thiếu niên là nhóm dễ bị tác động tâm lý do đại dịch COVID-19 (Ảnh: AFP)

Phóng viên của tạp chí Wired đã phỏng vấn hàng chục học sinh trung học phổ thông về trải nghiệm họ đang có khi cách ly xã hội. Nhìn chung, các em đều thấy nhớ trường lớp, nhớ bạn bè, nhớ các hoạt động thể thao ở trường, buồn vì lễ tốt nghiệp bị hủy bỏ.

Các em nói chuyện với nhau qua các ứng dụng cuộc gọi video nhưng kênh giao tiếp này không thể thay thế việc gặp gỡ trực tiếp. Sau đây là một số chia sẻ đáng chú ý nhất.

"Khi ở trường thì chỉ mong hết giờ thật nhanh để về nhà," Emma (17 tuổi, học sinh tại bang California, bạn cùng lớp của Zoe) chia sẻ, "còn khi ở nhà thì cháu lại mong được đến trường".

Em Jackson (16 tuổi, bang South Carolina) cho biết: "Đã lâu rồi em không được ăn ở ngoài với gia đình. Trước khi dịch bệnh thì tối thứ 6 nào gia đình em cũng ăn tối cùng nhau ở nhà hàng. Em rất nhớ cuộc sống bình thường trước đây".

Zia (16 tuổi đến từ thành phố Denver, bang Colorado) dùng từ "căng thẳng" khi mô tả về tâm trạng của mình trong những ngày COVID-19 và "mỗi ngày tình trạng lại tồi tệ hơn".

Aiden (16 tuổi đến từ thành phố Alamo, California) cho biết sự nhàm chán khi suốt ngày ở nhà khiến cậu bé dễ dàng nổi khùng lên với mọi thứ.

Ở lứa tuổi còn đang định hình nhận cách, tất cả những cảm xúc đó đều là dễ hiểu.

Khảo sát mới được đăng tải trên trang DoSomething.org với các bạn trẻ từ 13 đến 25 tuổi về tâm trạng trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 cho thấy, 92% cảm thấy lo lắng bất an, 40% cảm thấy bị ngắt kết nối và đáng chú ý là 54% cảm thấy bực bội, nảy sinh cảm xúc tiêu cực vì dịch bệnh.

Vai trò của cha mẹ là vô cùng quan trọng

Bà Ryan Fedoroff, chuyên gia tư vấn tâm lý tại Học viện Giáo dục Newport Mỹ cho rằng vai trò của cha mẹ trong giai đoạn này là cực kỳ quan trọng. "Cha mẹ hãy khích lệ và thật sự lắng nghe khi con cái chia sẻ về vấn đề chúng đang gặp phải. Bạn nên hỏi con, bạn có thể làm gì để giúp con vượt qua vấn đề đó. Hãy thể hiện sự thông cảm và trở thành chỗ dựa vững chãi cho con cái".

Bà Fedoroff khuyến khích cha mẹ lập một thời khóa biểu hợp lý cho cả gia đình khi phải ở nhà vì dịch bệnh: Ăn uống cùng nhau, tập thể dục cùng nhau và có thể hỗ trợ con học bài online. Tâm trạng của các bạn trẻ sẽ được cải thiện nếu cha mẹ chú ý, dành cho thời gian và sự quan tâm đúng mực.

Đại dịch COVID-19 đè nặng tâm lý thanh thiếu niên - Ảnh 6.

Cha mẹ lập thời khóa biểu sinh hoạt cho gia đình khi ở nhà vì dịch COVID-19 (Ảnh: AFP)

Trang CNBC cũng tổng hợp những điều cần lưu ý để giữ gìn sức khỏe tâm lý cho thanh thiếu niên thời điểm dịch bệnh này:

1. Hiểu cảm xúc của mình

So với cuộc sống bình thường thì giãn cách xã hội chắc chắn là không thoải mái bằng, thế nhưng cái gì cũng có 2 mặt: Bạn có rất nhiều thời gian dành cho riêng mình.

Thay vì than phiền "Chán quá, tôi chỉ muốn ra đường chơi với bạn", điều rõ ràng là không thể, bạn hãy suy nghĩ về câu hỏi: Tôi cảm thấy thế nào khi đối mặt hoàn cảnh này? Cuộc sống thời COVID-19 ảnh hưởng thế nào đến hành vi của tôi?

Có thể bạn cảm thấy sợ, buồn, chán, tức giận, rối trí, cô đơn… Thấu hiểu bản thân mình là điều rất quan trọng. Đừng đánh giá hay cảm thấy xấu hổ về những cảm xúc này.

2. Cố gắng giữ nhịp sinh hoạt quen thuộc

Các nghiên cứu cho thấy cơ thể vận hành tốt hơn khi chúng ta ăn, ngủ, vận động theo một nhịp sinh hoạt cố định. Dịch bệnh đảo lộn cuộc sống nhưng không thể đảo lộn hoàn toàn nhịp sinh hoạt của bạn. Bạn hãy cố gắng giữ thói quen sinh hoạt đúng giờ như thời điểm trước dịch bệnh.

3. Vận động ngoài trời

Nếu có thể, hãy vận động gần nơi bạn ở, có thể là đi bộ quanh khu nhà của mình, miễn là đảm bảo an toàn, giãn cách xã hội. Vận động mang lại nhiều điểm cộng cho cơ thể: điều hòa huyết áp, nhịp tim, giảm stress…

4. Tìm kiếm sự hỗ trợ

Chia sẻ vấn đề của bạn với người thân, bạn bè và cả những chuyên gia tâm lý. Nếu giãn cách xã hội khiến việc tư vấn trực tiếp trở nên khó khăn, bạn hãy tìm kiếm thông tin online hoặc tư vấn tâm lý qua điện thoại.

5. Suy nghĩ về những điều tích cực

Chẳng ai có thể đoán được tương lai. Dừng ngay suy nghĩ về những câu hỏi đại loại như: Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Mình sẽ bị nhốt ở nhà trong bao lâu nữa? Khi nào dịch bệnh mới kết thúc?

Thay vào đó hay nghĩ về những điều tích cực, những thời điểm bạn cảm thấy vui vẻ. Ví dụ như, Italy là một trong những nước có số ca tử vong vì COVID-19 nhiều nhất thế giới, nhưng người Italy vẫn rất lạc quan. Họ hẹn nhau ra cửa sổ hát những bản tình ca, động viên tinh thần. Chúng ta cần ánh sáng, nhất là trong những thời khắc đen tối này.

Ở một vài thời điểm nhất định, Zoe vẫn chưa hết hy vọng hoàn toàn. "Em tin rằng dịch bệnh chỉ là vấn đề tạm thời", em nói.

"Em sẽ không từ bỏ hy vọng được đi học những ngày cuối cấp. Được tận hưởng niềm vui của những ngày cuối cùng còn là học sinh. Em sẽ không bỏ cuộc".

Cha mẹ Zoe cũng tin như vậy, em sẽ được đến lớp, gặp gỡ bạn bè thầy cô. Zoe sẽ được nói lời tạm biệt trước khi khép lại trang sách phổ thông, để bước vào cổng trường đại học.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước