Bệnh viện dã chiến tại Central Park, New York. Ảnh: Reuters.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 1/4 gọi đại dịch COVID-19 là "cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất" mà thế giới phải đối mặt kể từ cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2.
"Chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, không giống bất kỳ cuộc khủng hoảng nào khác trong lịch sử 75 năm của Liên Hợp Quốc. Nó gây chết chóc, gieo rắc đau khổ và hoang mang cho cuộc sống của con người. Tuy nhiên, điều lớn hơn cả là cuộc khủng hoảng nhân loại", ông Antonio Guterres nhấn mạnh.
Số ca mắc COVID-19 tại Mỹ vượt ngưỡng 200.000
Tính đến 6h sáng 2/4, tổng ca mắc COVID-19 tại Mỹ 214.478, tăng thêm 25.948 ca so với 1 ngày trước đó. Như vậy, Mỹ đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có số ca mắc COVID-19 vượt quá mốc 200.000 người. Số ca tử vong tại nước này tăng thêm 790 người, nâng tổng số người chết lên 4.843 người.
Nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch là New York. Bang này có 83.712 ca nhiễm virus và 1.941 ca tử vong, riêng thành phố New York là hơn 1.100 ca. Số người chết tăng cao tại New York khiến các nhà xác bệnh viện bị quá tải. Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA) đã phải điều 85 xe đông lạnh tới New York làm nhà xác dã chiến.
Trong ngày 1/4, Thống đốc bang Florida, ông Ron DeSantis đã ban bố lệnh giới nghiêm toàn bang và chỉ thị cho người dân ở nhà để ngăn ngừa dịch lây lan. Ông DeSantis kêu gọi người dân giới hạn các hoạt động và chỉ ra khỏi nhà khi thật cần thiết. Lệnh giới nghiêm sẽ có hiệu lực trong 30 ngày, bắt đầu từ ngày 2/4. Ông Trump ngày 1/4 cho biết, ông sẽ không ban bố lệnh yêu cầu người dân ở nhà trên toàn quốc, vì tình hình dịch ở mỗi bang mỗi khác.
Số ca ở Tây Ban Nha vượt mốc 100.000
Trong 24 giờ qua, Tây Ban Nha ghi nhận thêm thêm 8.195 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số bệnh nhân lên 104.118. Như vậy, Tây Ban Nha đã vượt qua Trung Quốc để trở thành vùng dịch lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Italy. Hơn 22.000 bệnh nhân đã hồi phục.
Số người chết tại Tây Ban Nha cũng tăng thêm 923 ca, mức tăng hàng ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này, nâng số ca tử vong lên 9.387. Tây Ban Nha hiện là nước ghi nhận số ca tử vong cao thứ hai trên thế giới, chỉ sau Italy.
Tính đến 6h sáng nay, Italy ghi nhận thêm 4.782 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 110.574 trường hợp. Số ca tử vong tăng thêm 727 ca, nâng tổng số người chết lên 13.155 trường hợp. Số ca hồi phục tăng lên 16.847 ca. Italy hiện là nước ghi nhận nhiều người chết nhất thế giới, chiếm khoảng 30% số ca tử vong toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự đoán nước này đang tiến đến đỉnh dịch. Hôm qua (1/4), Thủ tướng Giuseppe Conte đã ký sắc lệnh kéo dài tình trạng phong tỏa trên cả nước tới ngày 13/4.
Nước Anh ghi nhận thêm 4.324 ca mắc COVID-19, nâng tổng ca mắc lên 29.474. Số ca tử vong do mắc COVID-19 tại nước này đã lên tới 2.352 ca, tăng 563 ca trong vòng 24 giờ qua. Hiện chính phủ Anh đang hợp tác với ngành công nghiệp nước này để giải quyết tình trạng thiếu hóa chất cần thiết cho bộ dụng cụ xét nghiệm virus. Người phát ngôn trên cho biết chính phủ lo ngại Anh đang chậm so với nhiều nước khác trong thực hiện kế hoạch xét nghiệm quy mô lớn.
Đức ghi nhận thêm 6.173 ca nhiễm và 156 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 77.981 và 931. Tuy là vùng dịch lớn thứ ba châu Âu, sau Italy và Tây Ban Nha, song tỷ lệ tử vong ở Đức khá thấp, chỉ 1%.
Giới chức y tế Pháp cho biết trong 24 giờ qua, số người chết vì dịch COVID-19 tại các bệnh viện của nước này đã lập kỷ lục mới với 509 trường hợp. Như vậy, tổng số người tử vong lên đến 4.032 kể từ ngày 1/3, trong đó 83% trên 70 tuổi. Các trường hợp nhiễm virus được xác nhận qua xét nghiệm là 56.989 bệnh nhân, tăng 4.861 người so với một ngày trước.
Tổng thống Nga ban hành luật mới về tình trạng khẩn cấp
Ngày 1/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành luật cho phép chính phủ áp đặt tình trạng khẩn cấp quốc gia trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Cùng ngày 1/4, Phó Thủ tướng Nga phụ trách phòng chống đại dịch COVID-19, bà Tatyana Golikova cho rằng các biện pháp giãn cách xã hội nên được kéo dài dựa trên tình hình dịch bệnh ở từng khu vực cụ thể.
Tính tới 6h sáng 2/4, Nga ghi nhận 2.777 ca nhiễm bệnh và 24 ca tử vong.
Số ca mắc bệnh tại Đông Nam Á vượt ngưỡng 10.000
Tính tới hết ngày 1/4, các quốc gia Đông Nam Á ghi nhận 10.151 ca mắc COVID-19, trong đó có 315 ca tử vong. Các ca nhiễm virus tiếp tục tăng ở nhiều nước. Malaysia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 2.908 ca nhiễm và 45 người chết. Indonesia là vùng dịch có số ca tử vong nhiều nhất khu vực với 157 người chết trong 1.677 người nhiễm, tỷ lệ tử vong gần 9,4%.
Bộ Y tế Singapore tối 1/4 thông báo, nước này ghi nhận thêm 74 ca nhiễm mới virus, mức cao nhất tính theo ngày từ trước tới nay, nâng tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại quốc đảo này lên con số 1.000 người. Số ca nguy kịch cũng tăng lên tới 24.
Chính quyền thủ đô Bangkok ( Thái Lan) đã yêu cầu tất cả các cửa hàng và quầy hàng đóng cửa ít nhất 5 giờ đồng hồ kể từ nửa đêm. Biện pháp này sẽ được duy trì cho đến khi có thông báo tiếp theo. Ngoài ra, tất cả công viên công cộng và tư nhân, kể cả công viên của các chung cư và trong các cộng đồng, cũng sẽ bị đóng cửa từ ngày 2-30/4 để tránh tụ tập đông người.
Tính đến sáng 2/4, Thái Lan ghi nhận 1.771 ca bệnh và 16 ca tử vong. Bangkok là địa phương có nhiều ca nhiễm nhất ở Thái Lan, với 850 bệnh nhân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!