Báo cáo Tình trạng mất cân bằng giáo dục của Ngân hàng Thế giới cho rằng, học sinh, sinh viên có nguy cơ mất 17 nghìn tỷ USD thu nhập suốt đời, tương đương với 14% GDP toàn cầu hiện nay. Đây là hậu quả của thời gian dài trường học đóng cửa và các cú sốc kinh tế do dịch bệnh.
Dự báo mới này của Ngân hàng Thế giới vượt xa con số ước tính 10 nghìn tỷ USD được đưa ra năm 2020 và cho thấy tác động của đại dịch còn nghiêm trọng hơn những gì chúng ta đã nghĩ tới trước đây.
Báo cáo này chỉ ra rằng ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, tỷ lệ trẻ em sống trong tình trạng "Nghèo đói trong học tập" - vốn đã là 50% trước đại dịch có thể lên tới 70% vì đóng cửa trường học kéo dài và việc học tập từ xa kém hiệu quả.
Lấp đầy lỗ hổng kiến thức sau dịch cũng là vấn đề lớn. Ước tính trung bình, ở các nước kém phát triển, dù có các chính sách để việc học không gián đoạn, nhưng mỗi tháng trường học đóng cửa vẫn tương đương với 1 tháng học sinh mất kiến thức. Ở Brazil, Nam Phi, Mexico, hay vùng nông thôn Ấn Độ, học sinh hổng kiến thức nghiêm trọng ở môn toán và đọc.
Hiện nay, khi các trường học trên thế giới đã mở cửa trở lại, vẫn có những cảnh báo về nguy cơ gián đoạn giáo dục, vì COVID-19 cùng với các căn bệnh theo mùa khác có thể dễ dàng lây lan trong trường học, đặc biệt nhiều trẻ nhỏ chưa được tiêm phòng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!