Đống đổ nát của một tòa nhà một ngày sau khi nó bị trúng tên lửa bắn từ Dải Gaza, ở Tel Aviv, Israel, ngày 8/10. (Ảnh: AP)
Quân đội Israel tuyên bố đã thiết lập lại tất cả các trạm kiểm soát ở biên giới với Dải Gaza, tiến hành khôi phục bức tường và hàng rào biên giới ở khu vực vốn bị lực lượng Hamas phá hủy để xâm nhập vào Israel hôm 7/10.
Cộng đồng quốc tế đang lo ngại về một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại đây.
Người phát ngôn quân đội Israel khẳng định, hiện giờ chỉ còn các vụ đụng độ lẻ tẻ ở khu vực Dải Gaza. Tuy nhiên, các cuộc không kích trả đũa của Israel vào Dải Gaza vẫn tiếp diễn và nay đã bước sang ngày thứ ba.
Ông Daniel Hagari, người phát ngôn Lực lượng phòng vệ Israel (IDF), nói: "Trước hết chúng tôi đang tiến hành tự vệ. Chúng tôi đã kiểm soát các cộng đồng xung quanh Dải Gaza. Những vụ đụng độ xảy ra trong vài giờ qua chỉ là các sự kiện riêng lẻ".
Cơ quan y tế ở Dải Gaza cho biết, ít nhất 704 người Palestine đã thiệt mạng và khoảng 3.900 người bị thương kể từ khi giao tranh bùng phát vào sáng 7/10. Trong khi đó, phía Israel thông báo, hơn 900 người đã thiệt mạng và ít nhất 2.600 người bị thương.
Dải Gaza đang trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới do thiếu lương thực, thuốc men và bị không kích.
Ông Mohammad Abu Salmiya, Giám đốc Bệnh viện Al-Shifa ở Gaza, chia sẻ: "Trước cuộc không kích này của Israel, tình hình y tế ở Gaza đã rất tồi tệ trong gần 17 năm qua. Các cơ sở y tế đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc bao vây. Chúng tôi không được tiếp cận với nhiều loại vật tư, thuốc và thiết bị y tế".
Cho đến nay, gần 30.000 cư dân Gaza đã phải đi lánh nạn.
Căng thẳng Israel - Palestine gia tăng trong bối cảnh cuộc tấn công bất ngờ của lực lượng Hamas. (Ảnh: BNN)
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã kêu gọi cung cấp viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho Dải Gaza. Ông Abbas nhấn mạnh, giải pháp duy nhất cho xung đột Palestine - Israel là thúc đẩy thực hiện "giải pháp hai nhà nước" thông qua nỗ lực chính trị.
Nhiều quốc gia đã bày tỏ quan ngại về cuộc xung đột tại Dải Gaza hiện nay, đồng thời nỗ lực thảo luận về các biện pháp nhằm giảm leo thang xung đột Israel- Hamas.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 9/10, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước thông báo rằng Israel sẽ tiến hành một cuộc bao vây toàn diện Dải Gaza. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới quá trình thực hiện nhiệm vụ nhân đạo của các nhân viên Liên hợp quốc.
Người đứng đầu Liên hợp quốc lo ngại, nếu các bên tiếp tục kéo dài căng thẳng, số dân thường thương vong có thể còn lớn hơn nhiều và tình hình nhân đạo tại Dải Gaza, vốn đã quá tồi tệ, có thể sẽ còn tồi tệ hơn.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tuyên bố: "Ngay cả trong những thời điểm tồi tệ nhất này, điều quan trọng là phải nhìn về tương lai lâu dài và tránh những hành động không thể đảo ngược, những hành động có thể khuyến khích những kẻ cực đoan và làm sụp đổ mọi triển vọng đạt được hòa bình lâu dài".
Cũng trong ngày 9/10, các nhà lãnh đạo của Mỹ, Pháp, Đức, Italy và Anh đã thảo luận về những diễn biến bất ngờ tại Dải Gaza. Các nước trên nhấn mạnh, đây không phải là thời điểm để bất kỳ bên nào thù địch với Israel lợi dụng những cuộc tấn công này để trục lợi.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Ai Cập El-Sisi cùng ngày đã điện đàm về các biện pháp nhằm làm giảm leo thang căng thẳng Israel - Hamas.
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel - Palestine, đồng thời đề xuất làm trung gian hòa giải để chấm dứt tình trạng bạo lực giữa Israel và lực lượng Hamas.
Dự kiến trong ngày 11/10, Ngoại trưởng các quốc gia thành viên Liên đoàn Arab sẽ tổ chức cuộc họp bất thường tại thủ đô Cairo của Ai Cập để tìm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!