Vào thứ 2 vừa qua (19/6), phái đoàn đàm phán của Anh đã đến Brussels, đặt những dấu chân đầu tiên trên con đường 2 năm thương lượng Brexit với Liên minh châu Âu. Tuy nhiên con đường này giờ đã nhiều chông gai hơn trước, khi Chính phủ Anh vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn nội tại sau cuộc tổng tuyển cử vừa kết thúc.
Tờ The Independent đã thể hiện góc nhìn không mấy lạc quan về những bước khởi đầu của nước Anh trong tiến trình 2 năm đàm phán. Theo The Independent, thế cờ bị lật ngược trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua đã khiến cho Thủ tướng Theresa May mất đi sự tín nhiệm cần thiết tại quốc hội.
Vị thế đàm phán của phía Anh vì thế đã không còn vững chắc như ban đầu, đồng thời tiếng nói của những người ủng hộ một "Brexit mềm" trong chính phủ nhờ vậy cũng có trọng lượng hơn. The Independent cũng cho rằng có khả năng nước Anh sẽ ở lại thị trường chung châu Âu, thay vì rời đi hoàn toàn như quan điểm cứng rắn của đảng Bảo thủ trong cương lĩnh tranh cử công bố hồi tháng 5.
Chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May đã thể hiện sự nhượng bộ đáng kể trong cách tiếp cận đàm phán Brexit
Bloomberg cũng đưa ra những dấu hiệu về việc đã có những thay đổi nhất định trong cách tiếp cận Brexit của chính phủ Anh. Bộ trưởng Tài chính Phillip Hammond đã xuống "tông" khi đề cập đến việc đảm bảo việc làm cho người lao động sau Brexit.
Người phụ trách thương lượng của phía Anh, ông David Davis cho rằng nước Anh bắt đầu các cuộc đối thoại với phía châu Âu với tinh thần tích cực và hợp tác, thay vì thái độ cương quyết không nhân nhượng trước đó.
Thủ tướng Theresa May mới đây cũng đã tỏ ra nhượng bộ khi chủ động đề xuất một phương án cho vấn đề quyền lợi của người nhập cư. Theo BBC, những công dân đến từ châu Âu đã sinh sống hợp pháp tại Anh được 5 năm liên tục sẽ được định cư vĩnh viễn và hưởng mọi quyền lợi về y tế, giáo dục và phúc lợi như người bản xứ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!