Theo Nga, còn quá sớm để nói về thời điểm ký kết hiệp định hòa bình, nhưng thực tế các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine là tích cực.
Trong cuộc họp báo vào ngày 17/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova cho biết, các cuộc đàm phán Nga - Ukraine đang diễn ra thường xuyên với hình thức trực tuyến. Một trong những mục tiêu Nga đặt ra với Kiev là tính tất yếu của một giải pháp hòa bình cho vấn đề phi quân sự hóa, chuyển đổi thành một quốc gia trung lập.
Cũng theo bà Zakharova, trang web của Bộ Ngoại giao Nga cũng như các trang web của các cơ quan chính phủ khác đã bị tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) liên tục trong vài tuần qua bởi các tin tặc chuyên nghiệp và nghiệp dư. Ngoài ra, các Đại sứ quán Nga ở nước ngoài cũng đang phải đối mặt với một cuộc tấn công mạng chưa từng có.
Ngày 16/3, Cơ quan Giám sát truyền thông Nga thông báo đã chặn hơn 30 trang web thuộc các phương tiện truyền thông quốc tế, cũng như các dự án của các công ty nước ngoài phát tán tin giả về tình hình ở Ukraine. Trước đó, EU đã ra lệnh cấm phát sóng các kênh RT và Sputnik của Nga trong khuôn khổ các biện pháp trừng phạt Nga liên quan đến vấn đề Ukraine. Đồng thời, YouTube cũng đã chặn các kênh truyền thông của Nga trên toàn thế giới.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, cùng với chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga đang phải đối mặt với một cuộc chiến tranh thông tin có quy mô lớn. Ủy ban Điều tra Nga mới đây đã mở ít nhất ba vụ án hình sự nhằm vào những đối tượng phát tán tin giả về quân đội Nga trên Instagram và các phương tiện truyền thông xã hội khác.
Ngày 16/3, trong bài phát biểu trực tuyến trước Quốc hội Mỹ, Tổng thống Ukraine Zelensky kêu gọi Washington tăng cường viện trợ cho Ukraine, đồng thời nhắc lại đề nghị thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ nước này. Ông Zelensky ghi nhận tất cả sự hỗ trợ từ Mỹ, nhưng hy vọng Washington sẽ tăng cường viện trợ nhân đạo và quân sự hơn nữa cho Ukraine.
Nhà lãnh đạo Ukraine đưa ra lời kêu gọi trên trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký thông qua dự luật chi tiêu hàng năm của Mỹ, trong đó có khoản viện trợ 13,6 tỷ USD dành cho Ukraine. Trong khoản tiền này, có 1 tỷ USD dành để hỗ trợ an ninh và triển khai các vũ khí tầm xa hơn cho Ukraine .
Tổng thống Biden hồi đầu tháng 3 cũng thông qua gói hỗ trợ vũ khí trị giá 350 triệu USD, trong đó có tên lửa chống tăng, tên lửa phòng không, vũ khí cá nhân và đạn cho Ukraine.
Tuy nhiên, ông Biden nhắc lại quan điểm trước đây rằng, Washington sẽ không điều lực lượng tham gia cuộc chiến ở Ukraine.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!