Cảng biển lớn Saint Petersburg, với gần 200 bến tàu luôn sôi động và tấp nập tàu thuyền. Những chuyến tàu nước ngoài đầu tiên đã đến đây từ hơn 300 năm trước. Trước năm 1924, nơi đây có tên gọi là cảng biển Petrograd.
Không dễ gì tìm lại dấu xưa qua gần 1 thế kỷ. Ông Aleksander Morozov, một trong những người công tác lâu năm tại cảng biển Saint Petersburg đã giúp chúng tôi tìm lại những tư liệu ít ỏi về con tàu từ nước Đức đã cập cảng 98 năm trước, để tìm đến vịnh Gutoevsky, nơi có bến tàu hàng số 7, mà một người người khách có tên Chen Vang nhập cảnh khi xưa.
Ông Aleksander Morozov - Ban quản lý cảng biển Saint Petersburg, LB Nga nhớ lại: "Năm 1923 cảng biển này chưa sôi động và có nhiều hoạt động công nghiệp như bây giờ. Nơi đây chỉ có các con tàu chở hàng loại nhỏ. Và Hồ Chí Minh đã đến đây bằng cách này, lúc đó chưa có những chuyến tàu chuyên chở khách từ nước ngoài".
Mọi thứ nơi đây đã thay đổi. Những gì còn lại từ bến tàu xưa giờ chỉ là một bờ kè đá hơn trăm năm tuổi. Hẳn nhiều người dân Saint Petersburg không biết rằng, bến tàu cũ rất đỗi bình thường này từng là nơi ghi dấu chân của một người thanh niên Việt Nam yêu nước, Người đã bắt đầu một hành trình lớn cho dân tộc Việt Nam.
Ông Vyacheslav Kalganov - Phó Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Saint Petersburg, LB Nga nói: "Chúng tôi cảm thấy xúc động. Nhiều thứ thay đổi. Nhưng từ đây chúng ta vẫn nhìn thấy nhà thờ, nhìn thấy bờ đá đã có từ hơn 100 năm trước. Đó là những gì Nguyễn Ái Quốc đã tận mắt nhìn thấy khi đặt chân đến đây. Chúng tôi lại có thêm bước tiến để lập biển di tích những nơi gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Hai năm nữa là kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ lần đầu đặt chân đến nước Nga Xô viết. Một tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được xây dựng và sẽ được đặt tại đây, giữa thành phố cảng Saint Petersburg, như một biểu tượng của tình hữu nghị hai đất nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!