Dấu hiệu chạy đua vũ trang trên bán đảo Triều Tiên

Theo TTXVN-Thứ năm, ngày 16/09/2021 11:04 GMT+7

Vụ phóng thử thành công tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm của Hàn Quốc diễn ra chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên phóng thử 2 tên lửa đạn đạo ra Biển Nhật Bản.

VTV.vn - Ngày 15/9, cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều đã phóng thử tên lửa đạn đạo, loạt diễn biến mới nhất trong cuộc chạy đua vũ trang mà cả hai quốc gia đều tham gia.

Giáo sư John Delury, làm việc tại Đại học Yonsei, bình luận: "Quá là trùng hợp khi cả hai miền Triều Tiên đều thử tên lửa đạn đạo trong một ngày. Điều này cho thấy thực tế là đang có một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực và người ta cần hết sức để tâm tới".

Hàn Quốc thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), trở thành quốc gia đầu tiên không sở hữu vũ khí hạt nhân song vẫn phát triển hệ thống này. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tham dự buổi thử nghiệm diễn ra cùng lúc với thời điểm Triều Tiên công bố các vụ phóng tên lửa đạn đạo đầu tiên của nước này kể từ tháng 3/2021. Theo giới chức Hàn Quốc và Nhật Bản, nước này đã phóng 2 tên lửa đạn đạo vào vùng biển ngoài khơi phía Đông, chỉ vài ngày sau khi thử nghiệm một tên lửa hành trình mà giới phân tích cho là đủ sức gắn đầu đạn hạt nhân. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết các tên lửa đã rơi xuống Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản, đối lập với các bình luận trước đó cho rằng chúng rơi bên ngoài vùng biển Nhật Bản.

Theo Nhà Xanh, tên lửa của Hàn Quốc được phóng từ tàu ngầm mới phiên chế Ahn Chang-ho và di chuyển ở khoảng cách như đã lên kế hoạch trước khi nhắm trúng mục tiêu. Tổng thống Moon Jae-in tuyên bố với các vụ thử thành công, Hàn Quốc đã có "năng lực phòng thủ đủ để phản ứng trước các hành vi khiêu khích từ Triều Tiên bất kỳ lúc nào".

Trong khi đó, Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết miền Bắc đã phóng 2 tên lửa không xác định từ vùng trung tâm Yangdok vào khoảng 12:30, tên lửa bay ở tầm cao tối đa 60km và đi được 800km.

Các bức ảnh do truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố cho thấy một tên lửa màu xanh ôliu xuất hiện từ sau một cột khói và ngọn lửa bốc lên từ nóc xe lửa trên đường ray tại một khu vực miền núi. Hãng thông tấn KCNA tuyên bố cuộc thử nghiệm của Triều Tiên, được thực hiện bởi trung đoàn tên lửa đường sắt đã được lên kế hoạch từ đầu năm nay. Tướng Pak Jong Chon, thành viên Bộ Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên nhấn mạnh hệ thống tên lửa đường sắt đóng vai trò "đối phó với một loạt các mối đe dọa cùng lúc". Tướng Pak cho biết nước này có kế hoạch mở rộng trung đoàn tên lửa đường sắt lên cấp sư đoàn trong tương lai gần, đồng thời tiến hành huấn luyện để trau dồi "các kinh nghiệm thực chiến".

Những thông điệp

Adam Mount, nhà nghiên cứu cấp cao tại Liên đoàn các Nhà Khoa học Mỹ, bình luận: "Tên lửa đường sắt di động là lựa chọn tương đối rẻ và đáng tin cậy cho các quốc gia đang tìm cách cải thiện năng lực bảo toàn của lực lượng hạt nhân. Nga đã thử nghiệm hệ thống này và Mỹ cũng từng cân nhắc. Điều này rất có ý nghĩa đối với Triều Tiên". Mount và các nhà phân tích khác cho rằng hệ thống có thể tồn tại nhiều hạn chế do hệ thống đường sắt của Triều Tiên còn lạc hậu, song đây cũng có thể là một trở ngại khác với quân đội nước ngoài khi họ tìm cách theo dõi và tiêu diệt tên lửa ngay ở bệ phóng.

Ankit Panda, nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho rằng thông thường rất khó để tiếp cận thông tin về các hệ thống phóng tên lửa mà Triều Tiên phát triển. Chuyên gia này cho rằng hệ thống đường sắt được phô diễn ngày 15/9 có thể là khởi đầu cho chương trình phát triển một hệ thống mới đủ sức phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa có gắn đầu đạn hạt nhân lớn hơn. Ông cũng cho rằng một số hệ thống tên lửa mà Triều Tiên công bố có thể chỉ là một "màn trình diễn công nghệ" và chưa được phát triển đầy đủ.

Dấu hiệu chạy đua vũ trang trên bán đảo Triều Tiên - Ảnh 1.

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc ngày 15/9 cho biết, Triều Tiên đã phóng hai tên lửa đạn đạo ra biển Nhật Bản.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhanh chóng chỉ trích vụ phóng của Triều Tiên, cho rằng quốc gia này vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và đe dọa các nước láng giềng, song không hề đề cập tới động thái của phía Hàn Quốc. Người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric cho biết cơ quan này lo ngại về các vụ phóng mới của Triều Tiên, trong khi các nhà ngoại giao nói rằng Pháp và Estonia có kế hoạch nêu vấn đề liên quan tới các vụ phóng của Triều Tiên trong các cuộc họp kín của HĐBA LHQ ngày 15/9.

Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Mỹ nói rằng các vụ phóng của Triều Tiên không phải là mối đe dọa trực tiếp đến nhân sự Mỹ, lãnh thổ hay các đồng minh của Mỹ, song nhấn mạnh ảnh hưởng tiêu cực từ chương trình vũ khí bất hợp pháp của Triều Tiên.

Các diễn biến kể trên cùng thời điểm với cuộc gặp cấp Ngoại trưởng giữa Hàn Quốc và Trung Quốc tại Seoul trong bối cảnh cộng đồng quốc tế lo ngại về các động thái của Triều Tiên và sự trì trệ của tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng các bên nên cùng nhau thúc đẩy hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Trả lời báo giới yêu cầu bình luận về các vụ thử tên lửa này, ông nhấn mạnh: "Không chỉ Triều Tiên mà các quốc gia khác cũng đang có động thái quân sự".

Trong cuộc gặp ngày 15/9, Tổng thống Moon Jae-in đã đề nghị phía Trung Quốc ủng hộ việc khôi phục đối thoại, nói rằng Triều Tiên đã không phản hồi các đề xuất đối thoại cũng như các liên hệ về viện trợ nhân đạo từ phía Hàn Quốc và Mỹ. Người phát ngôn Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh Trung Quốc hy vọng "các bên liên quan" sẽ thể hiện sự kiềm chế.

Các nhà phân tích cho rằng thời điểm Bình Nhưỡng phóng tên lửa, ngay sau cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Trung - Hàn tại Seoul, rõ ràng là tín hiệu hướng đến Bắc Kinh. Trung Quốc là đồng minh quan trọng và là đối tác chính của Triều Tiên về thương mại và viện trợ. Giáo sư Yang Moo-jin, Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, nhìn nhận diễn biến ngày 15/9 "giống như một thông điệp gián tiếp của Triều Tiên và thậm chí là một yêu cầu đối với Bắc Kinh, muốn họ coi bán đảo Triều Tiên như một trung tâm chương trình nghị sự của Trung Quốc".

Cuộc chạy đua vũ trang khó tránh

Ramon Pacheco Pardo, một chuyên gia về Triều Tiên tại Trường cao đẳng King's tại London nhìn nhận cuộc chạy đua vũ trang được tăng tốc dưới thời Moon Jae-in vì một số lý do, trong đó có cả việc ông muốn thúc đẩy tính tự chủ hơn về chính sách đối ngoại sau những lo ngại về việc dựa vào nước Mỹ thời hậu Trump và cả những bước tiến quân sự tại Triều Tiên và Trung Quốc. Ông nói: "Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều trở ngại về chính trị và pháp lý để phát triển vũ khí hạt nhân, cả ở bên trong và bên ngoài… Vì vậy, họ sẽ phát triển tất cả các khả năng khác để ngăn chặn Triều Tiên và thể hiện ai mới là kẻ mạnh nhất ở bán đảo này".

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cho rằng các năng lực "bất đối xứng" của một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân là lý do để Hàn Quốc, vốn không phải là quốc gia hạt nhân, tìm cách phát triển tên lửa. Hàn Quốc đang phát triển một loạt hệ thống quân sự mới, bao gồm tên lửa đạn đạo, tàu ngầm và tàu sân bay. Hàn Quốc cũng có một chính sách cụ thể về cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân và đảm bảo một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân. Tổng thống Moon Jae-in nói: "Nâng cao năng lực tên lửa chính xác là điều cần thiết để đảm bảo sức răn đe chống lại hành động khiêu khích của Triều Tiên", đồng thời nhấn mạnh rằng cuộc thử nghiệm SLBM đã được lên kế hoạch từ trước và không phải là để đáp trả các vụ phóng của Triều Tiên.

Trong một tuyên bố được truyền thông nhà nước đăng tải, Kim Yo-jong - người em gái quyền lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un - cho rằng các phát biểu của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về các hành động khiêu khích của Triều Tiên là không phù hợp. Không đề cập đến những cuộc thử nghiệm mới nhất của Triều Tiên, bà chỉ nhấn mạnh các biện pháp phòng thủ thông thường, đồng thời cảnh báo quan hệ liên Triều có thể tan vỡ nếu Moon Jae-in tiếp tục "vu khống" Bình Nhưỡng.

Bán đảo Triều Tiên hứng chịu nắng nóng bất thường trong suốt tháng 7 Bán đảo Triều Tiên hứng chịu nắng nóng bất thường trong suốt tháng 7

VTV.vn - Nắng nóng bất thường bao trùm Bán đảo Triều Tiên trong suốt tháng 7 đã ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều địa phương của Hàn Quốc và thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước