Trả lời phỏng vấn "Financial Times" (Thời báo Tài chính) của Anh ngày 27/9, ông Döpfner cho rằng sau cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6, nước Anh trải qua một giai đoạn ngắn bị ảnh hưởng bởi các biến động tiền tệ và xáo trộn trên các thị trường bất động sản, song trong 3-5 năm tới, "xứ sở sương mù" sẽ "thịnh vượng" hơn khi nằm ngoài EU. Khi không còn là thành viên EU, Chính phủ Anh có thể thực hiện một chính sách nhập cư tích cực hơn, những người nhập cư vào Anh sẽ là những người có năng lực, có thể đóng góp vào sự phát triển kinh tế và xã hội Anh, chứ không chỉ là những người nhập cư phải dựa vào hệ thống an sinh xã hội.
Theo Giám đốc Döpfner, nước Anh sẽ tiến tới mô hình kinh tế thị trường tự do hơn, trong khi châu Âu từng bước chuyển từ một liên minh tiền tệ sang thành liên minh "chuyển vốn", theo đó nguồn vốn có xu hướng chuyển từ các nước thành công sang các nước gặp khó khăn. Khi Anh chia tay với EU, liên minh này sẽ bị ảnh hưởng bất lợi do mất đi sự "ảnh hưởng lành mạnh", nhất là tính thực dụng và chủ trương thị trường tự do của nước Anh. Khi đó, EU dễ có xu hướng thỏa hiệp trong các cuộc đàm phán giữa các nước thành viên. Theo ông, đây là điều đáng lo ngại.
Sau cùng, ông Döpfner nhấn mạnh rằng nếu có thể tìm được giải pháp thay thế phù hợp, nước Anh sẽ có sức hấp dẫn lớn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!