Hơn 268,6 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 50,49 triệu ca mắc và hơn 814.500 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 68.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng thuốc kháng thể của hãng AstraZeneca để ngăn ngừa COVID-19. Thuốc này sẽ được dùng trên người có hệ miễn dịch kém hoặc có tiền sử có các phản ứng phụ nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19.
Thuốc kháng thể Evusheld của AstraZeneca là dung dịch hỗn hợp của hai kháng thể. Theo các kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối được công bố hồi tháng 8 năm nay, thuốc giúp giảm 77% nguy cơ triệu chứng bệnh trở nặng ở người mắc COVID-19. Ngoài ra, thuốc này có thể giúp kéo dài thời gian tồn tại của các kháng thể trong cơ thể người từ vài tháng cho đến một năm. FDA khẳng định, hỗn hợp kháng thể trên không thể thay thế được việc tiêm phòng ở những đối tượng đủ điều kiện tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Theo các chuyên gia Mỹ, việc tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19 có thể sẽ trở thành định kỳ hàng năm. Các biến thể của virus SARS-CoV-2 có thể sẽ khiến việc tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19 được thực hiện thường xuyên định kỳ mỗi năm một lần giống như tiêm vaccine ngừa bệnh cúm.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 9/12, nước này ghi nhận tổng cộng trên 34,66 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 474.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với gần 616.300 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 22,16 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Từ ngày 11/12, tất cả những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhập cảnh vào Brazil, dù là công dân nước này hay khách nước ngoài, đều phải thực hiện chế độ cách ly bắt buộc 5 ngày và xét nghiệm PCR sau đó. thông báo chính thức của Bộ Y tế Brazil ngày 9/12 nêu rõ, du khách đến quốc gia Nam Mỹ này cũng phải xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2 được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay và giấy chứng nhận đã được tiêm chủng đầy đủ trước khi nhập cảnh ít nhất 14 ngày với các loại vaccine được Cơ quan quản lý y tế Brazil (Anvisa), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hoặc các cơ quan liên quan chấp thuận.
Những người nhập cảnh vào Brazil bằng đường bộ sẽ không cần xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 nếu đã có kết quả xét nghiệm PCR âm tính.
Anh khởi động "Kế hoạch B" nhằm ngăn chặn đà lây lan của biến thể Omicron. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, từ tuần tới, người dân được khuyến khích làm việc từ xa nếu có thể. Từ ngày 10/12, người dân được yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc tại hầu hết các địa điểm tập trung đông người trong nhà như rạp hát hay rạp chiếu phim. Bên cạnh đó, chứng nhận tiêm chủng vaccine sẽ là yêu cầu bắt buộc để có thể đến các địa điểm tập trung đông người.
Chính phủ Anh tuyên bố, hàng nghìn người dễ tổn thương nhất tại nước này sẽ là những người đầu tiên trên thế giới được tiếp cận phương pháp điều trị kháng virus và kháng thể tiên tiến nhất. Chương trình nghiên cứu quốc gia có tên "PANORAMIC" do Đại học Oxford phối hợp với một số trung tâm nghiên cứu thực hiện đã được khởi động và đang thu nhận khoảng 10.000 bệnh nhân tại Anh có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng do COVID-19 để điều trị bằng thuốc Molnupiravir tại nhà sau khi có kết quả xét nghiệm PCR dương tính.
Chính phủ Slovakia vừa quyết định nới lỏng một số biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đối với người đã tiêm đầy đủ vaccine và người đã khỏi COVID-19. Kể từ ngày 10/12, tất cả cửa hiệu kinh doanh dịch vụ sẽ mở cửa trở lại cho người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và người đã điều trị khỏi COVID-19. Các khu trượt tuyết và trung tâm thể dục thể thao trong nhà sẽ hạn chế số lượng người. Các khách sạn sẽ hoạt động trở lại vào ngày Giáng sinh. Những người chưa tiêm chủng vẫn chỉ được ra khỏi nhà khi cần thiết và sử dụng các dịch vụ thiết yếu.
Slovakia là một trong những nước có tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 thấp nhất châu Âu, chưa tới 50% dân số nước này được tiêm chủng đầy đủ.
Mới chỉ có gần 50% dân số Slovakia được tiêm chủng đầy đủ. (Ảnh: AP)
Số liệu do Chính phủ Italy công bố cho biết, sau 12 tháng triển khai chiến dịch tiêm phòng COVID-19, nước này ghi nhận 99.792.722 lượt tiêm và đang đứng đầu châu Âu với tỷ lệ tiêm 168,4 liều/100 dân. Theo thống kê, cho đến nay, 47.477.646 người tại Italy đã tiêm ít nhất một mũi, chiếm 87,91% dân số trên 12 tuổi và 45.830.582 người đã được tiêm đầy đủ, chiếm 84,86%. Bộ trưởng Bộ Y tế Italy Roberto Speranza cho biết, chiến dịch tiêm chủng của nước này đang được thực hiện nhanh hơn so với đa số các quốc gia châu Âu và sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.
Đường cong dịch bệnh của Italy trong những ngày gần đây đang có dấu hiệu đi lên. Kể từ khi dịch bùng phát hồi tháng 2/2020 đến nay, Italy ghi nhận tổng cộng trên 5,15 triệu ca mắc, trong đó có hơn 134.400 người thiệt mạng vì COVID-19.
Số ca mắc mới COVID-19 gia tăng đã buộc Đan Mạch tái áp đặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Cụ thể, nước này sẽ đóng cửa các trường học, giảm hoạt động kinh doanh ban đêm và khuyến khích người dân làm việc tại nhà. Trong một tuyên bố vào ngày 8/12, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết, Chính phủ nước này sẽ kéo dài đợt nghỉ Giáng sinh thêm 4 ngày cho học sinh, tức là từ ngày 15/12/2021 đến ngày 5/1/2022. Từ ngày 10/12 tới, các quán bar, nhà hàng buộc phải đóng cửa vào lúc 24h hàng ngày và việc kinh doanh đồ uống có cồn sau thời gian này cũng bị nghiêm cấm.
Giới chức y tế Đan Mạch đánh giá, tình hình dịch COVID-19 tại nước này là rất nghiêm trọng với sự xuất hiện của biến thể Omicron. Trong thông báo cập nhật vào ngày 9/12, Đan Mạch đã ghi nhận 6.985 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua. Điều đáng lo ngại là hiện quốc gia Bắc Âu này đã có gần 600 ca nhiễm biến thể Omicron sau khi xác nhận trường hợp đầu tiên mắc biến thể này vào ngày 22/11.
Bộ Y tế Israel thông báo kéo dài thời gian điều trị cách ly đối với những người nhiễm biến thể Omicron từ 10 ngày lên 14 ngày. Các trường hợp mắc biến thể khác chỉ cần cách ly 10 ngày. Biện pháp này được đưa ra do quan ngại thời gian mắc bệnh của bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron có thể kéo dài hơn so với bệnh nhân nhiễm các biến thể khác. Trong trường hợp không xuất hiện các triệu chứng bệnh trong 3 ngày cuối cùng của thời gian cách ly, bệnh nhân mắc biến thể Omicron sẽ được cấp chứng nhận bình phục. Trước đó, bệnh nhân mắc Omicron được coi là đã khỏi bệnh nếu sau 10 ngày điều trị họ có kết quả phân tích gene không còn biến thể này.
Cho đến nay, Israel đã ghi nhận 21 ca mắc biến thể Omicron và 21 ca nghi nhiễm biến thể này.
Hãng thông tấn ACN của Cuba đưa tin, nước này đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron. Theo ACN, bệnh nhân là một nhân viên y tế, sinh sống tại tỉnh Pinar del Rio của Cuba, trở về từ Mozambique hôm 27/11. Sau đó một ngày, người này có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Giải trình tự gene cho thấy, bệnh nhân nhiễm biến thể mới Omicron. Hiện giới chức y tế Cuba đang theo dõi các ca đã tiếp xúc với bệnh nhân sau khi người này trở về Cuba.
Singapore sẽ theo dõi sự gia tăng số ca mắc mới COVID-19 theo tuần. Quyết định được đưa ra dựa trên căn cứ số ca mắc mới tại nước này đang giảm. Bộ Y tế Singapore sẽ giám sát tỷ lệ tăng ca nhiễm qua từng tuần để xác định tốc độ lây lan của virus trong cộng đồng. Nếu tỷ lệ này dưới 1, dịch cơ bản ổn định. Nếu tỷ lệ cao hơn 1, virus đang lây lan nhanh hơn và tiềm ẩn đợt bùng phát mới.
Người dân Singapore có thể theo dõi tình hình dịch COVID-19 qua trang web của Bộ Y tế nước này, tra cứu các thông tin về công suất các bệnh viện, tình trạng các ca mắc, tiến trình tiêm chủng, diễn biến liên quan biến thể Omicron. Hồi giữa tuần, Singapore đã dừng công bố thông cáo báo chí tình hình lây nhiễm COVID-19 theo ngày.
Singapore bắt đầu thu phí điều trị với những bệnh nhân mắc COVID-19 không tiêm phòng. Những người đã tiêm vaccine vẫn sẽ được miễn các chi phí này. Quyết định trên đã xóa bỏ chính sách trước đây khi Singapore chi trả các hóa đơn viện phí cho hầu hết các bệnh nhân COVID-19 như một biện pháp nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính của người dân trong giai đoạn dịch.
Đến nay, Indonesia ghi nhận trên 4,25 triệu người mắc COVID-19. (Ảnh: AP)
Số liệu thống kê Bộ Y tế Indonesia cho biết, tính đến ngày 8/12, đã có hơn 100,8 triệu người dân ở nước này được tiêm đủ hai liều vaccine ngừa COVID-19 và hơn 144 triệu người đã tiêm liều thứ nhất.
Trưởng Cơ quan truyền thông và dịch vụ công, Bộ Y tế Indonesia, bà Widyawati cho biết, với số liệu trên, số người tiêm ít nhất một mũi vaccine mới đạt 69,23% mục tiêu đề ra, trong khi tỷ lệ đã tiêm đủ 2 mũi là 48,4%. Trong thời gian tới, Indonesia sẽ tiếp tục đẩy nhanh chương trình tiêm chủng quốc gia, phấn đấu 70% người dân tiên được tiêm ít nhất một mũi vaccine và hoàn thành chương trình tiêm chủng vào khoảng tháng 3 hoặc tháng 4/2022.
Đến nay, Indonesia ghi nhận trên 4,25 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 143.900 bệnh nhân qua đời.
Bộ Y tế Lào ngày 9/12 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.212 ca mắc mới COVID-19 tại 17 tỉnh, thành phố và 5 trường hợp tử vong. Trong số các ca mắc mới, chỉ có 16 trường hợp là người nhập cảnh. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc COVID-19 ghi nhận tại Lào ở mức 4 chữ số, trong đó đa số là lây nhiễm trong cộng đồng. Đáng chú ý, số ca lây nhiễm cộng đồng tại thủ đô Vientiane vẫn ở mức cao với 610 trường hợp trong một ngày, tiếp tục đứng đầu cả nước. Điều này cho thấy tình hình dịch bệnh tại Lào vẫn diễn biến phức tạp. Đến nay, tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở nước này đã lên tới 84.503 ca, trong đó có 224 ca tử vong.
Trước tình hình trên, Chính phủ Lào yêu cầu các địa phương tiếp tục mở rộng mô hình điều trị tại khách sạn và điều trị lưu động cho người mắc COVID-19 không biểu hiện triệu chứng và có điều kiện kinh tế. Trong trường hợp người nhiễm bệnh có hoặc có ít triệu chứng nếu có điều kiện về địa điểm (gia đình hoặc đơn vị) có thể điều trị tại chỗ và thực hiện theo sổ tay hướng dẫn do Bộ Y tế ban hành.
Từ tháng 4/2021, Bộ Y tế Campuchia đã xem xét việc điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 (F0) có triệu chứng nhẹ tại nhà để giảm tải cho các cơ sở chữa bệnh, trong bối cảnh các ca mắc mới liên quan đến "sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2" vẫn tăng nhanh mỗi ngày.
Kinh nghiệm điều trị F0 tại nhà là mô hình được Campuchia áp dụng theo Mỹ, Pháp và một số nước châu Âu mà những nước này thực hiện từ năm 2020, trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 gia tăng. Tính đến tháng 7/2021, chỉ sau 3 tháng áp dụng mô hình này (thời điểm số ca mắc COVID-19 mới tại Campuchia tăng trung bình 900 người và và trường hợp tử vong khoảng 20 ca/ngày), tỷ lệ số bệnh nhân có triệu chứng nhẹ (hoặc không có biểu hiện rõ rệt) lựa chọn được điều trị tại nhà riêng đã tăng đáng kể.
Theo Bộ Y tế Campuchia, trong 24 giờ qua, nước này phát hiện 12 ca mắc mới COVID-19, ghi nhận tổng cộng 120.312 người nhiễm và 2.974 trường hợp thiệt mạng.
Trung Quốc lần đầu tiên cấp phép cho thuốc điều trị COVID-19, đó là thuốc kháng thể của công ty công nghệ sinh học Brii Biosciences. Liệu pháp này được Cục Quản lý dược phẩm quốc gia Trung Quốc phê duyệt để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 triệu chứng nhẹ hoặc trung bình, nhưng có nguy cơ cao dẫn đến nhập viện hoặc tử vong. Thuốc này có thể sử dụng ở cả người lớn và thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi.
Kể từ đầu tháng 11, thuốc đã sử dụng để điều trị khẩn cấp cho gần 700 bệnh nhân. Hiện Brii Biosciences đang nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc này tại Mỹ.
Theo kết quả nghiên cứu của một nhóm chuyên gia Nhật Bản, biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn bất cứ biến thể nào khác của virus SARS-CoV-2. Theo đó, trong giai đoạn đầu của sự bùng phát biến thể Omicron ở Nam Phi, hệ số lây nhiễm của biến thể này cao gấp 4,2 lần so với hệ số lây nhiễm của biến thể Delta. Hệ số lây nhiễm tức là số người trung bình nhiễm phải từ một người mắc. Con số này được tính toán dựa trên quá trình phân tích thông tin gene của khoảng 200 ca mắc COVID-19 ở Nam Phi trong giai đoạn từ tháng 9 đến cuối tháng 11.
Ngày 9/12, Hàn Quốc ghi nhận ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 ở mức trên 7.000 ca, trong khi số bệnh nhân nguy kịch tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay trong bối cảnh thời tiết lạnh hơn và hiệu quả của vaccine giảm dần.
Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), trong 24 giờ qua, nước này có 7.102 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số ca mắc lên 496.584 trường hợp. Số ca mắc mới đã giảm nhẹ so với mức kỷ lục 7.175 ca ghi nhận ngày 8/12. Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 tăng 57 ca lên tổng cộng 4.077 người. Đáng chú ý, số bệnh nhân nguy kịch tăng 857 ca, mức cao nhất từ trước đến nay, gây thêm áp lực cho hệ thống y tế vốn đã quá tải của Hàn Quốc.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ Hàn Quốc đã tái áp đặt các hạn chế và áp dụng "thẻ vaccine" nhằm hạn chế mọi hoạt động tụ tập và khuyến khích người dân tiêm chủng. Các biện pháp có hiệu lực từ ngày 6/12 đến ngày 2/1/2022.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!