Dịch COVID-19 ngày 26/4: Thế giới có gần 3 triệu ca nhiễm bệnh, hơn 200.000 ca tử vong

P.L-Chủ nhật, ngày 26/04/2020 07:59 GMT+7

VTV.vn - Dịch COVID-19 đã lây lan trên toàn thế giới với 2.917.974 ca nhiễm bệnh, trong đó, Mỹ chiếm tới gần 1/3. Số trường hợp tử vong trên toàn cầu đã vượt quá con số 200.000 ca.

Theo số liệu cập nhật từ Mỹ, tính đến sáng nay (26/4), dịch COVID-19 đã bùng phát trên 210 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số ca nhiễm là 2.917.974 ca, trong đó, số trường hợp tử vong là 203.137 ca và số trường hợp đã được chữa khỏi là 836.486 ca.

Dịch COVID-19 ngày 26/4: Thế giới có gần 3 triệu ca nhiễm bệnh, hơn 200.000 ca tử vong - Ảnh 1.

Cập nhật về số ca nhiễm COVID-19 và số ca tử vong do dịch bệnh trên thế giới (Nguồn: Worldometers)

Đáng chú ý là chỉ trong 24 giờ qua, số ca nhiễm COVID-19 mới ghi nhận trên toàn thế giới là 89.148 ca, trong khi đó, số ca tử vong mới do dịch bệnh chạm tới con số 6.038 ca.

Mỹ vượt xa các quốc gia khác về số ca mắc COVID-19 và số ca tử vong mới

Hiện tại, Mỹ là quốc gia có số người nhiễm COVID-19 và số người tử vong do dịch bệnh này nhiều nhất thế giới. Cụ thể, có tới 959.565 ca nhiễm COVID-19 tại quốc gia này, xấp xỉ 1/3 số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới, trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 tại đây lên tới 54.246 ca, gần bằng 1/4 số ca tử vong do dịch bệnh trên toàn cầu.

Không chỉ vậy, Mỹ hiện còn vượt xa các quốc gia khác về số ca mắcvà số ca tử vong mới do COVID-19. Chỉ trong 24 giờ qua, nước Mỹ đã ghi nhận thêm 34.333 ca nhiễm bệnh mới và có tới 2.053 ca tử vong mới do dịch bệnh.

Số trường hợp đã được chữa khỏi bệnh và bình phục tại Mỹ hiện tại là 118.162 trường hợp.

Brazil và Nga tăng mạnh về số ca mắc COVID-19 mới

Xếp sau Mỹ về số ca mắc COVID-19 mới là Brazil với 6.201 ca và Nga với 5.966 ca. Tuy nhiên, trong khi Brazil có thêm 375 trường hợp tử vong mới do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại quốc gia này lên 4.045 trường hợp, Nga lại chỉ ghi nhận 66 ca tử vong mới do dịch bệnh.

Một số quốc gia khác cũng tiếp tục tăng mạnh về số ca mắc COVID-19 mới như Anh với 4.913 ca mới, Tây Ban Nha với 3.995 ca, Peru với 3.683 ca, Thổ Nhĩ Kỳ với 2.861 ca, Italy với 2.357 ca...

Trong số đó, Anh hiện là quốc gia có số ca tử vong mới do COVID-19 cao thứ hai thế giới với 813 ca, chỉ xếp sau Mỹ.

Nguy cơ từ các ca bệnh không triệu chứng ở Trung Quốc

Mặc dù Trung Quốc trong 24 giờ qua chỉ có thêm 12 ca nhiễm COVID-19 mới và không có trường hợp tử vong nào mới, tuy nhiên, quốc gia này đang phải đối mặt với tình trạng số ca bệnh không triệu chứng có chiều hướng tăng.

Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, gần đây số ca bệnh không triệu chứng liên tục tăng và tăng cao hơn số ca bệnh "nhập khẩu" từ nước ngoài. Sau khi dịch bệnh COVID-19 lắng xuống, từ đầu tháng 4, Trung Quốc đã quyết định đưa những ca bệnh không triệu chứng vào thống kê. Những người bệnh không triệu chứng sẽ được giám sát và cách ly trong 14 ngày để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Trong hơn 3 tuần qua, Trung Quốc đã ghi nhận tổng cộng 983 trường hợp bệnh không triệu chứng. Theo lãnh đạo một bệnh viện ở Thượng Hải, có từ 18 - 31% số ca COVID-19 là không có triệu chứng. Các chuyên gia cho biết, hầu hết ca bệnh không triệu chứng là do tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 nên nếu các địa phương làm tốt công tác cách ly những người tiếp xúc gần với bệnh nhân, nguy cơ lây lan rộng ra cộng đồng sẽ được hạn chế.

Việt Nam không có thêm ca mắc COVID-19 mới

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, sáng 26/4, Việt Nam không có thêm trường hợp nào mắc COVID-19. Như vậy, tính từ ngày 16/4 đến nay, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng.

Hiện tại, tổng số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam vẫn là 270 ca, trong đó có 225 ca đã được chữa khỏi và 45 trường hợp còn lại đang được điều trị tích cực tại các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước.

Không có bằng chứng về việc người được chữa khỏi COVID-19 không tái nhiễm

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã khẳng định, không có bằng chứng cho thấy những người đã được chữa khỏi COVID-19 và có kháng thể thì không bị nhiễm lại.

WHO cũng khuyến cáo chính phủ các nước không cấp "hộ chiếu miễn dịch" hoặc chứng nhận không có nguy cơ cho những người từng mắc bệnh COVID-19. Việc này có thể sẽ làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan bởi những người đã khỏi bệnh có thể phớt lờ các khuyến cáo về phòng dịch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước