Dịch COVID-19 ngày 28/3: Việt Nam ghi nhận tổng số 169 ca, Mỹ có số ca mắc kỷ lục

PV (Tổng hợp)-Thứ bảy, ngày 28/03/2020 08:44 GMT+7

VTV.vn - Mỹ đã thay thế Italy ở châu Âu trở thành “điểm nóng” dịch bệnh của thế giới khi có hơn 100.000 ca nhiễm COVID-19, cao nhất thế giới.

Thêm 6 ca mắc COVID-19 tại Việt Nam, 2 ca là nhân viên của Bệnh viện Bạch Mai

Tới 6h30 sáng nay, Việt Nam đã ghi nhận thêm 6 trường hợp mắc mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 lên 169. Trong đó có 5 công dân Việt Nam và 1 công dân Đan Mạch. Hai trong số 6 bệnh nhân mới là nhân viên cung cấp nước sôi của Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh viện đã chủ động tiến hành cách ly bệnh nhân và người tiếp xúc gần, tiến hành khử khuẩn khu nhà ăn.

Bỉ kéo dài lệnh cách ly diện rộng, Pháp kéo dài thời gian phong tỏa

Ngày 27/3, sau cuộc họp Hội đồng an ninh quốc gia, Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmes đã thông báo quyết định kéo dài lệnh cách ly diện rộng thêm 2 tuần - tức đến ngày 19/4, nhằm làm chậm sự lây lan của bệnh dịch COVID-19. Với quyết định mới, Bỉ tiếp tục đóng cửa trường học, nhà hàng, cơ sở kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu… cho đến khi kết thúc kỳ nghỉ lễ Phục sinh.

Cùng ngày, Pháp thông báo kéo dài thời gian phong tỏa đến ngày 15/4, thay vì đến 31/3 như dự kiến ban đầu. Theo thông báo, các quy định hạn chế di chuyển vẫn giữ nguyên, song cảnh báo rằng có thể tiếp tục gia hạn tùy theo tình hình thực tế.

Tính tới tối 27/3, Tổng cục y tế Pháp xác nhận 1.995 người chết kể từ khi dịch bùng phát và số bệnh nhân nhiễm virus được xét nghiệm lên đến 32.964 người. Trong số 15.732 bênh nhân phải nhập viện, 3.787 người đang rơi vào tình trạng nghiêm trọng. 1/3 số bệnh nhân nhập viện dưới 60 tuổi, 42 người dưới 30 tuổi. Ngoài ra, 85% trường hợp tử vong là trên 70 tuổi. Số bệnh nhân được chữa khỏi và ra viện là 5.700.

Mỹ ghi nhận hơn 100.000 ca nhiễm

Theo số liệu thống kê do Đại học Johns Hopkins công bố, tính tới 21h (giờ GMT) ngày 27/3, Mỹ đã có hơn 100.000 ca dương tính với SARS-CoV-2.

Như vậy, tính tới lúc này, Mỹ đang là nước có nhiều ca nhiễm nhất thế giới, thứ 2 là Italy với 86.498 ca nhiễm, trong khi Trung Quốc xếp thứ 3 với 81.340 ca nhiễm. Thống kê mới nhất của Đại học Johns Hopkins cũng cho thấy thành phố New York là nơi có nhiều ca nhiễm nhất, với hơn một nửa số ca nhiễm của Mỹ.

Cùng ngày, lực lượng công binh của Lục quân Mỹ thông báo đang cân nhắc khả năng chuyển đổi khoảng 100 cơ sở tại nước này thành các bệnh viện dã chiến để hỗ trợ cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19. Phát biểu trước phóng viên tại Lầu Năm Góc, Trung tướng Todd Semonite cho biết trung tâm Javits tại thành phố New York đã sẵn sàng trở thành bệnh viện dã chiến với 2.910 giường bệnh vào ngày 30/3 tới. Ngoài ra, quân đội Mỹ cũng đang mở rộng thêm các cơ sở với 3.000 giường bệnh tại trung tâm hội nghị McCormick tại thành phố Chicago.

Trong một diễn biến khác có liên quan, Thị trưởng thành phố Los Angeles – ông Eric Garcetti đã bày tỏ lo ngại số ca nhiễm tại thành phố này có thể nhiều như thành phố New York trong 5 ngày tới. Phát biểu trong cuộc họp báo cùng với Thống đốc bang Gavin Newsom, Thị trưởng Garcetti cho biết số ca nhiễm mới tại Los Angeles đã tăng 50% trong ngày 26/3 và 20% tính tới chiều ngày 27/3. Nếu tiếp tục tăng với đà này, thành phố Los Angeles sẽ sớm đạt tới mốc của thành phố New York.

Italy vượt Trung Quốc về số ca nhiễm bệnh

Thông báo của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết, ngày 27/3 nước này ghi nhận thêm 5.959 ca dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lên 86.498 trường hợp. Như vậy, sau 5 tuần dịch bệnh bùng phát tại Italy, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã vượt qua Trung Quốc, hiện ghi nhận 81.342 trường hợp theo số liệu cập nhật từ Đại học Johns Hopkins.

Cũng theo cơ quan trên, số ca tử vong do COVID-19 là 9.134 trường hợp (tăng 969 ca). Số bệnh nhân điều trị thành công là 10.950 trường hợp (tăng 589 ca). Trong tổng số ca nhiễm bệnh hiện tại có 26.029 ca nhập viện với các triệu chứng, 3.732 ca phải điều trị tích cực và 36.653 trường hợp phải cách ly tại nhà.

Tại vùng tâm dịch Lombardia, tổng số ca nhiễm bệnh được ghi nhận là 37.298 trường hợp (tăng 2.409 ca), số ca tử vong tăng 541 trường hợp, nâng tổng số ca tử vong của vùng này lên 5.402 trường hợp.

Canada ghi nhận hơn 4.000 ca nhiễm SARS-CoV-2

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra đang diễn biến nghiêm trọng tại Canada, khi nước này xác nhận 4.018 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tính đến 11h ngày 27/3 (giờ địa phương), trong đó 6% phải nhập viện điều trị và 1% (39 người) tử vong.

Ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên tại Canada (một người đàn ông trở về Canada từ Vũ Hán, Trung Quốc) được báo cáo cách đây 2 tháng và ngày 8/3, nước này có ca tử vong đầu tiên do dịch COVID-19 là một cụ ông ở nhà dưỡng lão.

Chính phủ liên bang Canada ngày 27/3 quyết định đóng cửa toàn bộ 317 Trung tâm Dịch vụ (nơi người dân có thể trực tiếp đến đăng ký bảo hiểm việc làm, chế độ an sinh cho người cao tuổi, đăng ký trợ cấp hưu trí và làm hộ chiếu), trong bối cảnh nhiều nhân viên của trung tâm từ chối đến công sở làm việc. Nhiều nhân viên của trung tâm đã gọi điện cáo ốm hoặc từ chối đi làm với lý do không cảm thấy an toàn khi đại dịch COVID-19 có xu hướng lây lan mạnh, mặc dù các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng.

WHO cảnh báo nguy cơ ở châu Phi

Giám đốc khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Phi, bà Matshidiso Moeti cảnh báo lục địa Đen phải đối mặt với một sự tiến triển đáng lo ngại của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Phát biểu trên kênh truyền hình Pháp France24, bà Moeti cho biết 39/47 quốc gia châu Phi là thành viên của WHO hiện đang bị COVID-19 tấn công trong khi 1 tháng trước đó chỉ có 1 quốc gia bị ảnh hưởng. Bà Moeti kêu gọi các nước châu Phi tăng cường hành động, nhất là khi trong mấy ngày gần đây có đến 300 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19 được ghi nhận mỗi ngày. Các quốc gia châu Phi đã ra lệnh phong tỏa và đóng cửa biên giới để đối phó với đại dịch đang gia tăng.

Bà Moeti cho biết 42 quốc gia hiện được trang bị để có thể chẩn đoán bệnh, so với con số 2 quốc gia vài tuần trước. Song bà nhấn mạnh rằng lục địa Đen với cơ sở hạ tầng y tế yếu kém sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, chính phủ các nước phải tìm các phương pháp vệ sinh khác để giảm thiểu sự lây lan của virus. Theo thống kê của hãng tin AFP, tổng số ca mắc COVID-19 trên khắp châu Phi trong tuần qua đã lên tới gần 3.500 người và 94 trường hợp tử vong.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước