Đây là thông tin từ dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Số lượng 50,54 triệu con gà, gà tây và các loài gia cầm khác, đại diện cho thảm họa sức khỏe động vật tồi tệ nhất ở Mỹ cho đến nay, đã vượt qua kỷ lục trước đó là 50,5 triệu con bị chết trong đợt bùng phát dịch cúm gia cầm vào năm 2015.
Gia cầm thường chết sau khi nhiễm cúm. Toàn bộ đàn gia cầm, có thể lên tới hàng triệu con tại các trang trại gà đẻ trứng, cũng bị tiêu hủy để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh sau khi một con gia cầm có kết quả xét nghiệm dương tính.
Việc đàn gia cầm với số lượng lớn bị tiêu hủy khiến giá trứng gia cầm và thịt gà tây tăng cao kỷ lục, làm trầm trọng thêm tình cảnh khó khăn của người tiêu dùng ở Mỹ đang phải đối mặt với lạm phát nóng và khiến chi phí cho Lễ Tạ ơn vào ngày 24/11 trở nên đắt đỏ hơn.
Châu Âu và Anh cũng đang phải hứng chịu cuộc khủng hoảng cúm gia cầm tồi tệ nhất. Một số siêu thị ở Anh đã hạn chế số lượng trứng mà khách hàng được mua sau khi dịch bệnh bùng phát làm gián đoạn nguồn cung.
Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, đợt bùng phát cúm gia cầm ở Mỹ, bắt đầu diễn ra vào tháng 2, đã lây truyền sang các đàn gia cầm và các loài chim không phải gia cầm trên khắp 46 bang của nước này. Các loài chim hoang dã như vịt trời truyền virus cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) qua phân, lông hoặc tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi.
Rosemary Sifford, Giám đốc Thú y của Bộ Nông nghiệp Mỹ, cho biết: "Các loài chim hoang dã tiếp tục lây lan HPAI trên khắp đất nước khi chúng di cư. Vì vậy, việc ngăn chặn sự tiếp xúc giữa các đàn gia cầm nuôi và chim hoang dã là rất quan trọng để bảo vệ gia cầm của Mỹ".
Sau khi tăng cường các biện pháp an ninh và vệ sinh sau đợt bùng phát dịch cúm gia cầm vào năm 2015, nông dân Mỹ đã phải vật lộn để ngăn dịch bệnh và chim hoang dã xâm nhập vào chuồng trại của họ. Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, trong năm 2015, khoảng 30% trường hợp được truy vết có nguyên trực tiếp từ chim hoang dã, so với tỷ lệ 85% trong năm nay.
Đặc biệt, giới chức Chính phủ Mỹ đang nghiên cứu những trường hợp nhiễm cúm tại các trang trại gà tây với hy vọng đưa ra khuyến nghị thích hợp mới để ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, các trang trại gà tây chiếm hơn 70% số trang trại gia cầm thương mại bị nhiễm bệnh trong đợt bùng phát này.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết, người dân nên tránh tiếp xúc với những con chim hoang dã có vẻ ốm yếu hoặc đã chết, mặc dù đợt bùng phát này có nguy cơ thấp đối với người.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!